Tranh cãi việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris

Thứ bảy, 03/06/2017 09:47

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Donald Trump - “cha đẻ” của thông điệp “Nước Mỹ là trên hết” - nhấn mạnh, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ làm giảm sức mạnh nền kinh tế Mỹ, khiến người lao động nước này mất việc và đặt cường quốc số 1 thế giới này vào thế bất lợi vĩnh viễn so với các quốc gia khác.

Trong tuyên bố làm bùng nổ phản ứng dữ dội trên thế giới cũng như làm lung lay nỗ lực làm chậm lại sự ấm nóng trên toàn cầu, Tổng thống Donald Trump ngày 2-6 (giờ Việt Nam) cho biết, Mỹ đang “rút chân” ra khỏi  Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Các nhà hoạt động của tổ chức “Hòa bình Xanh” ghi dòng chữ “Không than đá, Không Trump”
trên tàu chở than, phản đối quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP

“Cần thỏa thuận công bằng hơn cho Mỹ”

Trong bài phát biểu từ Vườn Hồng ở Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố sẽ ngay lập tức ngừng áp dụng thỏa thuận “xấu” này, vốn có sự tham gia của 195 quốc gia.

“Tôi không thể ủng hộ một thỏa thuận trừng phạt Mỹ”, ông nói đồng thời tố cáo “gánh nặng tài chính và kinh tế hà khắc mà thỏa thuận này áp đặt lên nước Mỹ”. Theo ông, chính nó sẽ làm giảm sức mạnh nền kinh tế, khiến người lao động nước này mất việc và đặt Mỹ vào thế bất lợi vĩnh viễn so với các quốc gia khác. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, “chính những quốc gia đề nghị chúng tôi ở lại là những nước đã khiến nước Mỹ thiệt hại tổng cộng hàng ngàn tỷ USD...”. Và cuối cùng, ông chủ Nhà Trắng khẳng định: “Chúng tôi không muốn các nhà lãnh đạo khác và các quốc gia khác cười chúng tôi thêm nữa. Và họ sẽ không làm thế nữa”.

Tổng thống Trump không nói chi tiết về việc Mỹ sẽ chính thức rút lui khi nào và sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng ông cho biết, Mỹ có thể sẽ bắt đầu đàm phán về hai khả năng: hoặc quay lại Hiệp định Paris, hoặc có một thỏa thuận mới “với những điều khoản công bằng hơn cho nước Mỹ”. Khi hầu hết việc thực hiện các điều khoản diễn ra ở cấp địa phương, những người ủng hộ hy vọng thỏa thuận này sẽ được thực hiện trong “chế độ ngủ đông” chứ không phải là “bị giết chết hoàn toàn”.

Trong khi đó, theo các quan chức Nhà Trắng, theo thỏa thuận, việc rút lui chính thức có thể không diễn ra cho đến sau cuộc bầu cử năm 2020.

Rũ bỏ tương lai

Quyết định của ông Trump khiến lãnh đạo các quốc gia đồng minh giận dữ khi nó rõ ràng giáng đòn mạnh mẽ vào nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát sự ấm nóng lên của trái đất – vốn sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với con người trong thế kỷ này và xa hơn nữa.

Lãnh đạo các tập đoàn kinh doanh cũng phản ứng tức giận trước động thái này của ông Trump. “Quyết định này là trở ngại đối với môi trường và đối với vị trí lãnh đạo của nước Mỹ trên thế giới”, Giám đốc điều hành (CEO) Ngân hàng Goldman Sachs, ông Lloyd Blankfein nhận định. Trong khi đó, CEO hãng xe điện Tesla, ông Elon Musk, khẳng định sẽ rời khỏi Hội đồng Cố vấn Nhà Trắng sau quyết định của ông Trump. CEO tập đoàn công nghiệp General Electric (GE) Jeff Immelt cũng bày tỏ sự thất vọng: “Biến đổi khí hậu là chuyện có thật”, ông Immelt cho biết và kêu gọi: “Ngành công nghiệp phải nắm lấy vai trò đi đầu và không thể phụ thuộc vào chính phủ nữa”.

Ở trong nước Mỹ, Thống đốc các bang New York, California và Washington nhanh chóng thành lập một liên minh, cam kết sẽ tôn trọng các tiêu chuẩn trong Hiệp định Paris. Tại New York, một số tòa nhà lớn như Trung tâm Thương mại Thế giới và Tòa Thị chính, được thắp ánh sáng xanh thể hiện sự gắn kết với thỏa thuận này.

Cam kết của Trung Quốc

Trong tuyên bố quyết định rút khỏi Hiệp định Paris, ông Trump liên tục nhằm vào Trung Quốc, cho rằng, những điều khoản trong đó “quá nhân nhượng” đối với đối thủ kinh tế số 1 của Mỹ.

Nhiều ngày trước thông báo của Tổng thống Trump, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết sẽ tiếp tục thực hiện Hiệp định Paris trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Angela Merkel và kêu gọi các nước khác làm như vậy. Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch khi đang nỗ lực chiến đấu với tình trạng ô nhiễm nghẹt thở bao trùm nhiều thành phố của họ. Trung Quốc và Mỹ chịu trách nhiệm về khoảng 40% khí thải của thế giới và các chuyên gia cảnh báo, phải duy trì Hiệp định Paris mới có thể kiểm soát thành công sự ấm nóng lên toàn cầu.

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Hiệp định Paris được thông qua chưa đến 18 tháng. Mỹ là một trong số 195 quốc gia đạt thỏa thuận này tại Paris vào tháng 12-2015. Theo nội dung thỏa thuận lịch sử này, các quốc gia giàu và nghèo cùng cam kết giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính, được cho là nguyên nhân khiến trái đất nóng lên. Trong đó, Mỹ cam kết đến năm 2025 giảm 26-28% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2005.

Khả Anh