Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy kinh tế APEC

Thứ sáu, 29/09/2017 11:54

Đó là khẳng định của Bà Lakshmi Puri-Phó Giám đốc điều hành của UN Women tại Đối thoại công-tư về Phụ nữ và Kinh tế (PPDWE) APEC trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 diễn ra tại TP Huế ngày 28-9.

Cùng tham dự có hơn 600 đại biểu là các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nền kinh tế APEC, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tổng giám đốc điều hành các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài khu vực và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu khai mạc. 

Doanh nghiệp do nữ làm chủ trụ vững hơn so với nam

Phát biểu khai mạc, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ- TB & XH, Chủ tịch Đối thoại  PPDWE  APEC 2017 cho rằng, đối thoại là một trong ba sự kiện chính của Diễn đàn thường niên về Phụ nữ và Kinh tế APEC, vừa thể hiện sự công nhận của các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC đối với vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ; vừa là sự coi trọng vai trò, sức ảnh hưởng của khu vực tư nhân trong phát triển bao trùm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, mong muốn của các nền kinh tế APEC hợp tác với các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và các nữ doanh nhân. Sự tham gia và tư vấn của khu vực tư nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nghị trình nâng cao vai trò và quyền năng của phụ nữ, nhằm đóng góp hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng bao trùm, tự do hóa thương mại và đầu tư của APEC.

APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, với hơn 60% ở khu vực chính thức, đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển KT-XH. Ở khu vực APEC hiện nay, phụ nữ tham gia ngày càng đông đảo trong lực lượng kinh doanh và làm chủ doanh nghiệp (DN). Theo thống kê, DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 97%; chiếm trong khoảng từ 50 đến 80% việc làm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20 đến 50% GDP trong các nền kinh tế APEC.

Bà Lakshmi Puri - Phó Giám đốc điều hành PPDWE kêu gọi APEC tham gia cùng với UN Women thực hiện cuộc vận động về chấm dứt bạo lực với phụ nữ. 

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, ở Việt Nam hiện có 2 tỷ phú đầu tiên do Tạp chí Forbes bình chọn thì cũng đã có 1 gương mặt nữ doanh nhân. Và trong số “Những người phụ nữ quyền lực nhất” của khu vực Châu Á do Tạp chí Forbes bình chọn và công bố hàng năm, bao giờ cũng có sự góp mặt của các Bông hồng Vàng- doanh nhân Việt.

“Trong những năm qua, khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, biến đổi khó lường, thì tỷ lệ DN do nữ làm chủ trụ vững cao hơn so với nam giới. Các DN do chị em phụ nữ làm chủ chủ yếu là DN vừa, nhỏ và cực nhỏ, phần lớn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và gắn liền với nông nghiệp, nông thôn, trải rộng trên nhiều địa bàn của đất nước. Do vậy, không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế mà còn đóng góp lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. DN do doanh nhân nữ làm chủ thường sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động nữ cho nên có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Doanh nhân nữ cũng ít mạo hiểm hơn, liêm chính hơn, tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội tốt hơn. Tiềm năng của chị em trong kinh doanh là rất lớn, là “mỏ vàng” ròng trong các nền kinh tế nếu biết khơi dậy”- TS Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

Các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC tham dự đối thoại.

Cần phải có chính sách tốt hơn cho phụ nữ...

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, chuẩn bị bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với phụ nữ. “Một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Công nhân và công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, năm 2016 có khoảng 80% lao động nữ hơn 35 tuổi tại các khu công nghiệp bị sa thải hoặc tự bỏ việc. Tôi cho rằng tình trạng này cũng có thể đang là khó khăn chung của nhiều nền kinh tế khác trong khu vực APEC”- Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ.

Cũng phát biểu tại Phiên khai mạc, Bà Lakshmi Puri-Phó Giám đốc điều hành của UN Women cho rằng các nền kinh tế APEC cần làm nhiều hơn nữa để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy kinh tế APEC. Phụ nữ được trao quyền sẽ có cơ hội làm việc bình đẳng hơn và năng suất hơn. Trao quyền cho phụ nữ là sự đầu tư thông minh và quan trọng. Phụ nữ phải được đặt vào trung tâm để mang lại những giá trị đặc biệt cho nền kinh tế của chúng ta. Bà Lakshmi Puri cũng nêu rõ các mục tiêu về phát triển bền vững đến năm 2030 cũng đề cập đến sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế. Trao quyền được cho là điều kiện tiên quyết hướng tới phát triển bền vững. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để có được sự tham gia của hơn 50% phụ nữ làm chủ trong các doanh nghiệp. Bà Lakshmi Puri kêu gọi APEC tham gia cùng với UN Women thực hiện các cuộc vận động về thu hẹp khoảng cách giới trong hoạt động kinh doanh, về chấm dứt bạo lực với phụ nữ, quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc, về “hành tinh 50/50”...

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc kêu gọi, các doanh nhân nữ và hiệp hội DN nữ hãy thiết lập Mạng lưới Nữ doanh nhân APEC để chia sẻ, học hỏi và tương tác với nhau. Hãy dấy lên phong trào She mean Business- phụ nữ là doanh nhân trong các nền kinh tế APEC của chúng ta. Cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ là Phụ nữ. Tại Đối thoại, hơn 600 đại biểu tập trung trao đổi các vấn đề: Tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; Doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; Thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; Xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong APEC và trên thế giới. Đây là các vấn đề quan tâm chung của các thành viên và cũng là một nội dung trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đến năm 2030. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hy vọng rằng, Đối thoại lần này sẽ đưa ra nhiều khuyến nghị và sáng kiến mới để trình lên Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao APEC được tổ chức tại TP Đà Nẵng vào tháng 11 sắp tới.

H.LAN

Phụ nữ phải luôn biết, chấp nhận và dám vượt qua khó khăn

Phát biểu chỉ đạo Đối thoại, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ rõ, đối thoại cần tập trung vào các nội dung chính, thứ nhất là tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Thứ hai, yêu cầu cấp thiết là cần tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ. Thứ ba, trong bối cảnh thị trường toàn cầu và thế giới về việc làm đang có nhiều biến động, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các nữ doanh nhân và lực lượng lao động nữ, cần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Và thứ tư đã đến lúc cần xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu của APEC (Bô-go trong APEC) và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020. Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh chỉ có tự thân phụ nữ mới có thể quyết định mình cần phải làm những gì để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. Phụ nữ phải luôn biết, chấp nhận và dám vượt qua khó khăn, thách thức, chấp nhận khó khăn thử thách để tiến lên phía trước.