Trên dòng Pô Cô

Chủ nhật, 06/09/2020 18:00

Trải qua chiều dài lịch sử, dòng Pô Cô vẫn xanh thẳm và chảy suốt chiều dài ở phía Tây cao nguyên đất Việt. Nó mang đến sự sống, mùa màng, là tích tụ của miền văn hóa và cả những người con anh hùng.

 

A Sanh đánh Mỹ

Mạch nguồn từ những ngọn núi quanh năm mây phủ đổ về tạo nên dòng sông chảy dọc theo phía Tây của khu vực Bắc Tây Nguyên, đây cũng là con sông dài nhất của khu vực này với khoảng 320km. Từ thuở hồng hoang đến giờ, dòng Pô Cô băng qua những cánh rừng già, vách núi, đến địa phận Gia Lai lúc êm đềm, lúc lại ầm ầm vượt những thác đá. “Những ai đã từng đi B hồi đánh Mỹ hẳn chẳng thể nào quên được những đêm vượt sông, không chỉ có Pô Cô mà hàng trăm con sông lớn nhỏ vắt ngang dãy Trường Sơn hùng vĩ. Ở Trường Sơn, cứ đi 20m là bắt gặp một khe núi. 200m gặp một con suối. 20km gặp một dòng sông. Sông Pô Cô là một trong những con sông lớn có tên tuổi...”, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết về một vùng Tây Nguyên hùng vĩ với những ký ức miên man như vậy.

Pô Cô còn là dòng sông gắn liền với thời đánh Mỹ được nhiều người biết đến qua giai điệu tự hào “Người lái đò trên sông Pô Cô” của nhạc sĩ Cầm Phong (lời thơ Mai Trang). Từ bài hát này, cái tên A Sanh đã trở thành một biểu tượng sống mãi bên dòng Pô Cô hùng vĩ này.

A Sanh tên thật là Puih San (1937-2000) lớn lên ở làng Nú (xã Ia Krái, H. Ia Grai, Gia Lai), từ nhỏ đã giỏi chèo thuyền, bơi lội qua sông. A Sanh hiểu rõ từng viên đá ngầm, từng vũng xoáy của dòng sông, bởi cả làng Nú thời điểm đó đều làm rẫy bên kia bờ. Con thuyền độc mộc trở thành phương tiện thiết yếu và đó cũng là phương tiện chống chịu duy nhất trước dòng chảy xiết, ngầm đá của dòng Pô Cô khi mùa mưa lũ về. Chàng trai Gia Rai năm ấy cứ thế lớn lên giữa đại ngàn và hòa mình cả tuổi thơ bên dòng Pô Cô hiền hòa, xanh thẳm. Thế nhưng, nơi đây cũng là vùng Mỹ - ngụy tạm chiếm, chúng ra sức cướp bóc, đàn áp, bắn giết bà con dân bản khiến lòng căm thù trong lòng Puih San càng sục sôi. 20 tuổi, chàng trai người Gia Rai trốn gia đình, lên núi xin vào du kích xã. Cũng từ đó, là cả quãng đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng.

Đến năm 1961, khi được nhập ngũ vào quân đội thuộc đơn vị đường dây T2C07, mặt trận B3 cũng là thời điểm Puih San cùng nhiều đồng chí khác được cấp trên giao nhiệm vụ chèo đò đưa bộ đội, vũ khí, lương thực, thực phẩm qua sông Pô Cô với bí danh A Sanh. Với tuyến vận tải đặc biệt, sông Pô Cô không chỉ nằm trên tuyến hành lang Bắc - Nam, trải dài từ Kon Tum xuống Gia Lai đến đất bạn Campuchia trước khi hòa mình vào dòng Mê Kông mà còn là con đường bí mật nhất để từ đây ra đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Ban ngày, Puih San cùng đồng đội dầm những chiếc thuyền độc mộc dưới nước tránh bị phát hiện, khi đêm xuống nhận nhiệm vụ, những chiếc thuyền trở lại với mặt sông. Không một ánh đèn, không một chỉ dẫn, chỉ có những kỹ năng thuần thục và lòng can đảm, Puih San cùng đồng đội chèo thuyền giữa đêm tối đưa bộ đội, hàng hóa, vũ khí qua sông. 

Hai cựu binh Rơ Lan Kai và Rơ Chăm Klớt (trái) là những người lái đò trên sông Pô Cô cùng với Anh hùng A Sanh.

Chuyện về những “A Sanh”

Một chiều Tây Nguyên, 2 cựu binh già Rơ Lan Kai và Rơ Châm Klớt (Lim) từ làng Jrăng Krăi dừng lại bên bờ sông Pô Cô đoạn qua làng Nú (xã Ia Khai, H. Ia Grai). Cách đó không xa là vị trí “Bến đò A Sanh” - địa chỉ được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh (12-6-2020). Địa chỉ này không chỉ gắn với tên tuổi Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Puih San (A Sanh) mà còn là nơi ghi dấu những cống hiến lớn lao của quân và dân các dân tộc Tây Nguyên và nhân chứng sống động là 2 cựu binh Rơ Lan Kai và Rơ Châm Klớt.

Trong ký ức của 2 cựu binh, những ngày tháng đã ghi dấu tuổi thanh xuân đầy hào hùng vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Cựu binh Rơ Châm Klớt cho biết: ông tham gia lực lượng vận tải trên dòng Pô Cô này từ năm 1963-1966 và cùng một tổ thuyền với Anh hùng A Sanh. “Có thời điểm, chúng tôi phải chèo 10 ngày đêm liên tục để đưa cả một Sư đoàn qua sông. Mình với Puih San còn dạy cho bộ đội tăng cường chèo thuyền độc mộc để phục vụ cho chiến trường”, cựu binh Klớt kể lại.

Còn cựu binh Rơ Lan Kai vẫn nhớ rõ: năm 1970, lực lượng vận tải không dùng thuyền độc mộc nữa mà đã có thuyền máy. Từ bên này sang bên kia sông Pô Cô có đoạn 100m, đoạn rộng nhất cũng 200m nhưng do làm nhiệm vụ bí mật vào ban đêm, thế nên phải hiểu rõ mọi ngóc ngách của dòng sông mới có thể đưa những chuyến đò an toàn qua sông. “Những bến đò thường được gọi bằng tên riêng và thay đổi liên tục để đảm bảo an toàn. Chúng tôi thường treo trước mũi thuyền một chiếc đèn dầu, ở bến đò bên kia cũng có một chiếc đèn như vậy. Dựa vào ánh sáng le lói đó để xác định điểm đến”, cựu binh Kai nói về những chuyến vượt sông.

Bên dòng Pô Cô trong một chiều tháng 7, nhìn ra dòng nước tĩnh lặng, 2 cựu binh già say sưa kể về những ngày tháng hào hùng, về những ngày sau giải phóng chèo thuyền độc mộc trên dòng sông hòa bình. Niềm vui đó càng nhân lên khi thấy những chiếc thuyền độc mộc lại lao vút đi trên dòng Pô Cô sau nhiều năm vắng bóng, mai một bởi bụi thời gian.

Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND H. Ia Grai cho biết: “Thuyền độc mộc nhiều năm qua không còn dùng nữa, người già có kinh nghiệm về chọn lựa cây gỗ, đẽo thuyền độc mộc hoàn chỉnh nay chỉ còn vài người. Để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của thuyền độc mộc gắn liền với tên tuổi của người Anh hùng A Sanh, UBND huyện đã quyết định lựa chọn loại hình thuyền độc mộc truyền thống và dòng sông Pô Cô huyền thoại một thời để tổ chức lễ hội đua thuyền. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào công tác bảo tồn, giữ gìn giá trị của thuyền độc mộc, một nét văn hóa đặc trưng của bà con người Gia Rai nơi đây”.

MINH TÂN