Trí thức trẻ cùng xã nghèo vượt khó

Thứ năm, 29/09/2016 11:27

(Cadn.com.vn) - Bằng sức trẻ và sự nhiệt huyết, các trí thức trẻ đang công tác tại huyện miền núi cao Nam Trà My, Quảng Nam (thuộc dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã) đã góp phần làm đổi thay những vùng đất khó.

GIÚP DÂN LÀM GIÀU

Quê ở Kon Tum, Đinh Hồng Thắng chọn quê vợ là xã Trà Linh (Nam Trà My) để lập nghiệp. Tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, Đại học Đà Nẵng, Thắng được địa phương chọn tham gia dự án. Trở về công tác hơn một năm tại UBND xã Trà Linh, được bổ nhiệm phó chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, Thắng đã tham mưu, chỉ đạo triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế, giúp dân từng bước thoát nghèo, như chương trình hỗ trợ nhân giống sâm, đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở... Từ việc được hỗ trợ tận tình, chu đáo về việc trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh, nhiều hộ gia đình ở xã Trà Linh đã mua ô-tô, xe máy, xây nhà kiên cố dưới huyện hoặc mua đất để chuẩn bị làm nhà. Điển hình như hộ ông Hồ Văn Bông (40 tuổi, ở thôn 2, xã Trà Linh) vừa mua lại ngôi nhà xây kiên cố tại trung tâm H. Nam Trà My với giá 500 triệu đồng. Để có tiền mua ngôi nhà này, gia đình ông Bông đã bán 6 nghìn cây Sâm giống loại 1 năm tuổi cùng 5kg củ Sâm loại 6 năm tuổi.

Anh Nguyễn Hữu Quang trên con đường mới mở.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đinh Hồng Thắng cho biết, năm 2012 từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và trung ương cho các xã đặc biệt khó khăn, anh đã triển khai chương trình cấp giống Sâm cho đồng bào nghèo xã Trà Linh. Theo đó, người trồng Sâm được hỗ trợ về đất, giống cây và hỗ trợ tín dụng. Cụ thể, đối với hộ gia đình (đã đăng ký thành nhóm hộ): trên cơ sở đã đăng ký mua cây Sâm giống của các hộ gia đình, từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình 30a và 135 của chính phủ, xã trực tiếp liên hệ mua cây Sâm giống để hỗ trợ cho các hộ gia đình; đồng thời, tuyên truyền hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn cho vay theo hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định (mức vay tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ), thời gian vay không quá 7 năm. Ngoài ra, hộ gia đình được hưởng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng theo quy định hiện hành; hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn, tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng như các chương trình khuyến nông, giảm nghèo.

Theo anh Thắng, hiện ở xã Trà Linh đã có hàng chục hộ không những thoát được đói nghèo, mà còn làm giàu nhanh chóng từ việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh với mức giá trên thị trường, sâm tươi có giá bán khoảng 6 triệu đồng/lạng. Trồng Sâm bây giờ là để làm giàu chứ không phải xóa đói giảm nghèo như trước nữa. Đất đai, khí hậu ở Trà Linh rất thích hợp và hiện còn khá nhiều nên ai siêng năng trồng Sâm thì sẽ giàu nhanh chóng. “Lâu nay, người dân nghèo miền núi vốn quen trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vậy nên, để đồng bào thay đổi nhận thức, hưởng ứng làm theo, lãnh đạo địa phương phải triển khai những cái gì thiết thực nhất, gắn liền như máu thịt với họ trong đời sống, sinh hoạt. Từ đó, có thể thấy cách làm của H. Nam Trà My là hướng đi đúng đắn hợp lòng dân. Bài học sát dân, gần dân, tạo sự đồng thuận trong dân là thành quả mà chúng tôi đã và đang hướng tới”- anh Thắng chia sẻ.

Từ sự trăn trở về việc giúp đỡ bà con nhân dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, hơn bốn năm đồng hành cùng nhân dân, anh Đinh Hồng Thắng đã nhận được nhiều sự tín nhiệm của nhân dân xã, năm 2016, anh đã được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Trà Linh. “Trên cương vị mới, bản thân sẽ tiếp tục phát huy sức trẻ, góp sức xây dựng quê hương Nam Trà My thoát nghèo”, anh Thắng nói.

Anh Đinh Hồng Thắng (phải) hướng dẫn người dân chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh.

MỞ ĐƯỜNG CHO DÂN BẢN

Là một thanh niên trẻ tham gia dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện phục vụ vùng cao, dù phụ trách mảng kinh tế nhưng việc đầu tiên mà anh Nguyễn Hữu Quang (28 tuổi), Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vinh (H. Nam Trà My) bắt tay làm là vận động để làm đường cho dân. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (Trường ĐH Khoa học Huế), Quang đăng ký phỏng vấn và được tuyển vào đề án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã vùng cao. Sau khi hoàn thành khóa học về công việc mới, tháng 12-2011, Quang lên vùng cao xã Trà Vinh để đảm nhận chức phó chủ tịch xã. Chân ướt chân ráo lên công tác vùng cao, trong những lần đi cơ sở, anh chứng kiến con đường đất nối từ trung tâm xã vào các thôn dài gần 10km, rộng chưa đầy nửa mét, lầy lội, chỉ có cuốc bộ 3-4 giờ mới tới. Người dân thì không thể đem hoa màu, nông sản ra xã bán, trẻ em đi học xa, nhiều em nản quá nghỉ luôn. Thấy dân khổ quá, nhiều lần anh hỏi bà con có nguyện vọng gì muốn giãi bày với chính quyền địa phương không thì họ đều nói: “Chúng tôi không cần gì, chỉ cần con đường đi thôi”.

Trước điều đó, nhiều đêm anh nằm suy nghĩ tìm cách để mở đường cho dân, bất chợt nhớ đến dự án giảm nghèo của Nhà nước đã tài trợ tiền để bê-tông hóa đường từ trung tâm xã vào nóc Ông Tý thuộc thôn 1 mà anh là người phụ trách. “Sẵn dịp đó, tôi nghĩ tại sao mình không vận động các nguồn, tổ chức để mở đường cho dân đi”-anh Quang kể. Nói là làm, anh đã họp bí thư chi bộ hai thôn 3 và 4 lại bàn và quyết định vận động người dân cùng nhau làm đường. Đến năm 2015, sau khi vận động, người dân ủng hộ được 33 triệu đồng, cùng với sự đóng góp công và một ngày lương của cán bộ xã, giáo viên, gần 1km đường đã được múc, san bằng rộng hơn 3m. Không dừng lại ở đó, những lần xuống huyện họp, anh cứ “kè kè” theo ông chủ tịch huyện xin được kinh phí 100 triệu đồng tiếp tục mở đường. Anh Quang kể, mới đây phòng tài chính kế hoạch huyện lên khảo sát con đường và tiếp tục hỗ trợ thêm cho xã 200 triệu đồng. “Dân bản khi nghe tin này mừng quá. Giờ đây gần 5km đường đã được mở rộng, xã đang tiếp tục dùng nguồn kinh phí được hỗ trợ thêm để san ủi đường. Bình thường đi từ trung tâm xã vào thôn 3, thôn 4 phải đi bộ chừng 3-4 giờ, chừ đi xe máy chỉ 30 phút” - anh Quang nói.

Đi xe máy chở vợ con bon bon trên con đường đất mới được san ủi rộng thênh thang ra trung tâm xã, anh Hồ Văn Tiến (người dân thôn 4) khấp khởi: “Hồi xưa đường lầy lội, đi bộ hết mấy giờ, còn chừ có thể đi xe máy, dân trong bản ai cũng thích!”. Theo ông Nguyễn Thanh Chiêm, trưởng thôn 4, khi nghe xã, đặc biệt là anh Quang, vận động bà con góp tiền, góp công mở đường  ai cũng ủng hộ nhiệt tình. “Từ xưa con đường luôn là nỗi ám ảnh của dân, muốn ra trung tâm xã mua bán gì cũng phải gùi và cuốc bộ, trẻ em đi học mỏi chân. Giờ thì có đường, hết cảnh khốn khó rồi” - ông Chiêm vui vẻ nói.

Thiên Ngân