Trí thức trẻ "về làng"
(Cadn.com.vn) - Bỏ ngoài tai những lời dè bỉu, đàm tiếu của mọi người, Dương Văn Chính, 33 tuổi (trú thôn 5, Hòa Ninh, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đã quyết tâm từ bỏ công việc tốt tại một công ty cơ khí lớn sau khi tốt nghiệp kỹ sư Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng để trở về nông thôn lập nghiệp. Và hướng đi của anh chàng kỹ sư trẻ được mọi người gọi với biệt danh Chính "khùng" là mở trang trại nuôi thỏ.
Năm 2004, cầm tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành cơ khí, Chính cũng như bao bạn bè khác cũng nộp hồ sơ vào nhiều doanh nghiệp xin việc. Và may mắn đã đến với chàng trai chân chất, hiền lành: anh đã được tuyển dụng vào một công ty chuyên sản xuất các thiết bị cơ khí ở Đà Nẵng. Với sự chăm chỉ, siêng năng, ham học hỏi Chính thăng tiến rất nhanh, giữ chức trưởng phòng hành chính rồi chủ tịch công đoàn công ty với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Ấy vậy mà, chàng kỹ sư trẻ đang trên đà phát triển ấy lại có quyết định khiến cả gia đình và bà con hàng xóm sửng sốt: về quê làm... nông dân.
"12 năm đèn sách đi học, rồi lại 5 năm học ĐH xa nhà, sau đó lại đi làm ở trung tâm thành phố, ngẫm lại mình chưa đóng góp được gì cho quê hương. Vùng quê của mình dân còn khá nghèo nên việc xây dựng kinh tế cho bản thân cũng là cách để góp phần xây dựng quê hương có thêm diện mạo mới. Làm công việc tại một cơ quan sáng đi tối về cứ đều đặn như vậy sinh ra nhàm chán, mình muốn thay đổi cuộc sống ngay từ bây giờ. Mở trang trại nuôi thỏ là ý định mà mình đã ấp ủ từ lâu và bây giờ mới thực hiện được. Tự mình làm chủ một trang trại, quyết định mọi việc cho mình nhiều trải nghiệm thú vị", Chính chia sẻ.
Trang trại thỏ của Dương Văn Chính cho thu nhập lên đến gần 300 triệu đồng mỗi năm. |
Với số vốn ban đầu 110 triệu đồng, Chính đầu tư xây trang trại, mua giống thỏ ở tận Sơn Tây, Hà Nội. Trong năm đầu vì chưa hiểu kỹ thuật nên thỏ chết hoặc thỏ mái không đẻ con, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, với tư duy của một người luôn cầu tiến, Chính không bỏ cuộc mà luôn học hỏi, tìm tòi, rút kinh nghiệm cho những lần sau. Đến nay trại nuôi thỏ của Chính có tổng đàn 800 con, trong đó 90 con thỏ giống. Anh cho biết, thỏ là loại mắn đẻ, phát triển nhanh. Mỗi năm thỏ cái đẻ từ 7 - 8 lứa, mỗi lứa từ 6 - 10 con. Sau thời gian nuôi khoảng 3 tháng, thỏ đạt trọng lượng 2 - 3kg, thì xuất bán. Với giá 150.000 - 170.000đ/kg thỏ giống, thỏ thịt 85.000đ/kg, mỗi tháng anh thu vào gần 25 triệu đồng.
Từ thực tế đã trải qua, Chính cho rằng nuôi thỏ không khó nhưng đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật với sự quyết tâm thì lợi nhuận đem về khá cao. Theo Chính, nuôi thỏ chú ý tới 4 điều quan trọng. Đó là nguồn thức ăn, phối giống, tách thỏ con khỏi mẹ, kiểm soát dịch bệnh. Về chuồng trại thì khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt. Chuồng nuôi phải khô ráo, thoáng mát và sạch sẽ. Thức ăn của thỏ khá phổ biến, chủ yếu các loại rau và tinh bột. Khi cho thỏ ăn chú ý không để các loại rau bị thấm nước. Mặt khác, thỏ là loài dễ nhiễm bệnh, như bệnh ghẻ, ỉa chảy, khi bị bệnh thỏ chết rất nhanh. Do đó cần phòng ngừa kịp thời, tiêm phòng định kỳ.
Hiện nay trại thỏ của Chính cung cấp con giống cho các tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng và xa hơn là các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, TT- Huế, Bình Định. Ai mua với số lượng lớn, anh đến tận nơi tư vấn, cấp giống đảm bảo 100% thỏ giống sống mới nhận tiền.
Mỗi năm trại thỏ của Chính cho thu nhập hơn 270 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Dự định đến cuối năm nay anh xây dựng 50m2 chuồng trại, nuôi thêm 700 con, nâng tổng đàn lên 1.500 con. Ông Nguyễn Đức Tân, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Ninh nhận xét: "Dương Văn Chính là một hạt nhân điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nuôi thỏ là hướng đi bền vững mang lại nguồn thu nhập cao cho người chăn nuôi. Trong thời gian tới mô hình nuôi thỏ sẽ nhân rộng ra toàn xã, song song với đó là mở rộng thị trường tiêu thụ ra khắp cả nước".
Chính không giấu giàu, giấu nghề. Chính chia sẻ, anh sẵn sàng trao đổi sự hiểu biết cho mọi người kinh nghiệm nuôi thỏ, trực tiếp hay qua số điện thoại: 0988 253 970. Thông điệp mà Chính hóm hỉnh gửi đến bạn bè là cụm từ không xa lạ: ai bảo về quê là khổ?
Vĩnh Hàn