Triển vọng cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Ukraine

Thứ bảy, 02/04/2022 11:14
Điện Kremlin cho biết hiện vẫn chưa có khung thời gian rõ ràng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Ukraine và cần có điều kiện để cuộc gặp này diễn ra nhưng đó là tia sáng hiếm hoi trong bóng tối giao tranh hiện nay.
Giao tranh ở Ukraine vẫn diễn ra ác liệt. Ảnh: Reuters
Giao tranh ở Ukraine vẫn diễn ra ác liệt. Ảnh: Reuters

Cả thế giới đang trông chờ vào một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo: Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, để tìm lối thoát cho cuộc xung đột Ukraine.

“Ánh sáng đã le lói cuối đường hầm” báo Guardian dẫn lời Trưởng đoàn đàm phán của Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết, khi cả hai nhà lãnh đạo Putin - Zelensky có thể sớm gặp nhau. Ông Podolyak cho biết Nga đang xem xét kỹ lưỡng các đề xuất do đoàn đàm phán Ukraine đệ trình tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây mà ông tin rằng có thể dẫn đến một hội nghị hòa bình. "Chúng tôi dự đoán một cuộc gặp giữa hai tổng thống có thể sớm được tổ chức", trưởng đoàn đàm phán Ukraine nói nhưng không tiết lộ thời điểm cụ thể. Trong khi đó, ông Vladimir Medinsky, Trưởng đoàn đàm phán Nga, tuyên bố các đề xuất của Tổng thống Zelensky cho thấy Ukraine sẵn sàng đạt được một thỏa thuận "lần đầu tiên sau nhiều năm".

Dù Điện Kremlin cho biết hiện vẫn chưa có khung thời gian rõ ràng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Ukraine và cần có điều kiện để cuộc gặp này diễn ra nhưng đó là tia sáng hiếm hoi trong cuộc giao tranh hiện nay. "Hiện chưa có sự thay đổi nào trong vấn đề này. Chúng tôi đã tuyên bố trước đó rằng, một cuộc gặp ở cấp cao nhất phải được đảm bảo trước bằng các thỏa thuận đã được hoàn tất, trong đó các quan chức hàng đầu xác nhận và ký tắt vào các văn bản này", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 31-3. Ông Peskov cho biết ông sẽ "không xác định bất kỳ khung thời gian rõ ràng nào" cho cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Đầu tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine, đã tổ chức cuộc đàm phán giữa các phái đoàn của Moscow và Kiev. Sau cuộc thảo luận, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky thông báo phía Ukraine đã đưa ra các đề xuất bằng văn bản về một thỏa thuận tiềm năng giữa hai nước, trong đó có cam kết về việc Ukraine không gia nhập NATO và không sở hữu vũ khí hạt nhân. Sau cuộc đàm phán với Kiev, Moscow đồng ý tổ chức cuộc gặp giữa hai Tổng thống như một phần của giai đoạn đàm phán cuối cùng về hiệp ước hòa bình trong tương lai. Nga cho rằng việc tổ chức cuộc gặp càng sớm càng tốt sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết xung đột.

Trong khi đó, một thành viên phái đoàn Ukraine, ông David Arakhamia cũng cho biết, Ukraine và Nga bắt đầu nối lại các cuộc hòa đàm dưới hình thức trực tuyến trong ngày 1-4. Theo ông Arakhamia, tại cuộc gặp, hai bên sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận cần thiết cho một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Zelensky. Ông cũng cho biết phía Ukraine nhấn mạnh rằng cuộc gặp giữa hai tổng thống có thể diễn ra ở bất cứ đâu, trừ tại Nga hoặc Belarus.

Sau cuộc đàm phán với Kiev, Moscow đồng ý tổ chức cuộc gặp giữa hai Tổng thống như một phần của giai đoạn đàm phán cuối cùng về hiệp ước hòa bình trong tương lai. Nga cho rằng việc tổ chức cuộc gặp càng sớm càng tốt sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết xung đột. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gọi kết quả của cuộc đàm phán trên là "sự tiến triển đáng kể" khi phía Ukraine xác nhận sự cần thiết của việc đảm bảo tình trạng phi hạt nhân, không liên minh và không gia nhập NATO, cũng như hiểu được rằng "vấn đề Crimea và Donbass cần được giải quyết vĩnh viễn".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko không đồng tình với cách giải thích của Ngoại trưởng Nga về kết quả của cuộc đàm phán mới nhất. Ông Nikolenko cho rằng, Ngoại trưởng Nga đã "hiểu lầm" về tiến trình đàm phán và "các vấn đề của Crimea cũng như Donbass sẽ được giải quyết sau khi Ukraine khôi phục chủ quyền đối với các khu vực này".

Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, Kiev không công nhận kết quả này và coi Crimea là vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng của Ukraine. Nga hồi tháng 2 cũng công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai, Donetsk và Lugansk, ở Donbass, Đông Ukraine. Người đứng đầu Donetsk và Lugansk tuần này cũng để ngỏ mong muốn trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, Moscow cho rằng hiện chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện kế hoạch này.

KHẢ ANH