Trò chuyện với “Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille”

Thứ sáu, 06/09/2013 12:53

(Cadn.com.vn) - Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, cũng như nhiều danh họa của Việt Nam đã qua đời, tranh Phái khi bước vào thị trường quốc tế đã không ít lần bị trà trộn giữa vấn nạn “tranh giả”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị trí  thứ hạng tranh của ông trong mắt các nhà sưu tập quốc tế. Dịp kỷ niệm 93 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái (1-9-1920 – 1-9-2013), chúng tôi có cuộc trao đổi cùng nhà sưu tập Gérard Chapuis, người thường được mệnh danh là “Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille”.

Là một nhà sưu tập cổ vật Việt Nam, ở lĩnh vực mỹ thuật, được biết ông rất quan tâm đến tranh Bùi Xuân Phái, còn được gọi là “người gác đền Bùi Xuân Phái”, vậy xin ông cho biết hành trình đến với “tranh Phái” ra sao?

Tôi đến Pháp từ năm 1977, bắt đầu vào học lớp 11, lấy bằng tú tài, rồi đậu vào y khoa và học tại Marseille. Những lúc rảnh rỗi, để vơi nỗi buồn tha hương, cách tốt nhất để hướng về quê hương là tôi tập Vovinam Việt võ đạo và tiếp tục học Hiệp khí đạo, sưu tập sách, bưu ảnh và bưu hoa (Philately)... Một ngày, tôi nhận ra, để đi tới con đường tận cùng của bộ môn sưu tập tem, dường như không thể không chú ý đến các tác phẩm mỹ thuật vốn đang bị lẩn khuất dưới lớp bụi thời gian. Hơn nữa, đất nước Việt Nam qua những biến động lịch sử đã làm thị trường tranh càng thêm nhiễu nhương, lẫn  lộn tranh thật, tranh giả... Từ đó, bộ môn này tuy khó nhưng dần hấp dẫn tôi. Tôi được nhiều người mệnh danh là “Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille” khi trở thành chủ hữu gần 500 âm bản tác phẩm Bùi Xuân Phái chưa từng công bố. Câu hỏi được đặt ra, là thời cơ đã đến chưa để công bố những di vật ấy và công chúng trong nước đã sẵn sàng để tiếp đón những gì quý nhất của Mỹ thuật Việt nam chưa?

Nhà sưu tập Gérard Chapuis

Theo ông, đến thời điểm hiện nay, vị trí tranh Phái trong thị trường quốc tế ra sao? Ngoài Bùi Xuân Phái, các tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng khác của Việt Nam có được giới sưu tập quan tâm?

Từ năm 2008, tranh Bùi Xuân Phái rơi giá một cách thê thảm! Theo thống kê của Artprice.com, số lượng tranh Bùi Xuân Phái giao dịch tính thành tiền EUR của năm 2012 là 60.825 EUR và số lượng tranh Bùi Xuân Phái không tìm được chủ sở hữu là 57 %. Để có thước đo, tranh vua Hàm nghi (Chiều tà) đã được bán với giá hơn 11.000 EUR. Trong năm 2011, Bùi Xuân Phái đứng hạng 17.431(ông đã tuột 7.768 hạng)... Ở thời phồn thịnh nhất “tranh Phái”, ông đã đứng hạng 2.876 (năm 2001). Nguyễn Phan Chánh vẫn là danh họa được quốc tế quan tâm nhiều và tác phẩm cuối được bán với giá 322.000 USD. Theo lời các chuyên gia quốc tế, mỹ thuật của một quốc gia sẽ vào sân chơi quốc tế khi 1 tác phẩm nghệ thuật của quốc gia đó đạt ngưỡng cửa 1.000.000 USD.

Chân dung nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu qua tranh xé giấy của Bùi Xuân Phái.

Trong số những bức tranh Bùi Xuân Phái mà ông đã  sưu tập, ông thích bức tranh nào nhất? Vì sao?

Khi đã đam mê thì rất khó nói tranh nào thích nhất. Nếu phải chọn, có lẽ là những tấm tranh xé giấy chăng? Tuy nó không hoành tráng nhưng rất tình người bởi sự  mộc mạc, yếu đuối dưới bánh xe thời gian?

Thời gian tới, ông có ý định hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân trong nước để tiếp tục quảng bá tranh Bùi Xuân Phái cũng như tranh của các họa sĩ Việt Nam ra trường quốc tế hay không?

Một con chim nhạn sẽ không đủ sức đem lại mùa xuân. Cá nhân tôi và tiếng nói của tôi rất nhỏ bé không thể cáng đáng việc làm sạch thị trường tranh Việt nhiễu nhương. Edouard Herriot đã từng nói (tạm dich): “Văn hóa là những gì còn sót lại khi chúng ta đã quên tất cả”. Mong rằng Mỹ thuật Việt vẫn giữ được những gì thuần túy nhất sau cơn giông bão...

Trần Trung Sáng
(thực hiện)