Trò chuyện với Nguyễn Tuân
(Cadn.com.vn) - Có lẽ sự hào hoa, thiệp lãm của nhà văn Nguyễn Tuân trong cuộc sống đời thường và cả trong trang viết đã có sức hút bạn đọc khi cuốn sách “Trò chuyện với Nguyễn Tuân” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trai–nguyên Phó Tổng biên tập Tuần báo văn nghệ, Phó Giám đốc Quỹ sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Điều lý thú đúng như lời nhận xét của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: Dù có bao nhiêu nhà nghiên cứu đổ công sức tìm hiểu cụ Nguyễn, dù có bao nhiêu luận văn tiến sỹ, thạc sỹ viết về cụ Nguyễn tiếp tục ra đời, thì cũng không thể thay thế được công trình mang tên “Trò chuyện với Nguyễn Tuân” của Ngọc Trai.
Chân dung nhà văn Nguyễn Tuân do các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, |
Nêu điều này bởi trong tập sách là những câu chuyện chính tác giả có thời gian dài sống gần gũi với cụ Nguyễn và do quý trọng tài năng Nguyễn Tuân, đã trực tiếp đến gặp gỡ, hỏi chuyện để “phác lộ” những điều chưa biết về chuyện văn, chuyện đời của một cây bút thể ký được mệnh danh hay nhất Việt Nam thế kỷ XX. Nhắc đến Nguyễn Tuân không thể không nhắc đến những bút ký nổi tiếng từng đưa vào chương trình SGK như “Vang bóng một thời”, “Chiếc lư đồng mắt cua”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, Sông Đà”. Nguyễn Tuân là nhà văn nổi tiếng “cầu kỳ” về con chữ, viết về cái gì cũng muốn đi đến tận cùng của vấn đề, tìm hiểu cặn kẽ, tỉ mẩn, chi ly đến sợi tóc cũng có thể chẻ làm tư... Bởi vậy, nếu ai sửa chữa một câu một từ của Nguyễn Tuân là ông nổi đóa. Chuyện nhiều người biết, đó là tít bút ký và cũng là tít của tập sách “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”.
Lần ấy nhà văn Tô Hoài duyệt sách do muốn đổi tên sách nên bảo: “Ông là lôi thôi lắm, cứ để cái tên Hà Nội đánh Mỹ nó cũng đầy đủ rồi, cần gì phải dài dòng thế”. Nguyễn Tuân giận ra mặt: “Ông thấy nó dài dòng ở chỗ nào”. Tô Hoài từ tốn giải thích: “Để Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi cứ y như mình đang đứng ở cái thế bề trên mà ban khen Hà Nội”. Nguyễn Tuân nổi đóa: “Đấy, ba cái anh duyệt bài là chúa suy diễn. Tôi không có đứng trên đứng dưới gì sất, chỉ có điều tôi không chịu được cái chung chung...”. Chưa nguôi giận, Nguyễn Tuân tiếp: “Ông cũng là người viết mà khi duyệt bài vở của người khác cũng dở hơi bỏ mẹ, cái gì cũng đòi cắt đòi gọt, không biết quý công sức của người khác”...
Ảnh bìa tập sách. |
Chuyện văn chuyện đời của Nguyễn Tuân đã làm nên một Nguyễn Tuân rất đặc biệt, không giống ai. Trong chuyến thực tế về tuyến lửa Vĩnh Linh để viết bút ký, ông mất 6 tháng để tìm hiểu tỉ mỉ về con sông và chiếc cầu giới tuyến. Nguyễn Tuân đã xin đi để lần đếm có 450 thanh gỗ lát trên cầu Hiền Lương phần bên mình, bên kia không sang được, ông nhờ anh công an bờ Bắc sang làm việc với bên bờ Nam đếm hộ. Phải đếm đến lần thứ hai anh công an báo có 444 thanh gỗ ông mới chịu (vì ông nhìn ngờ ngợ bên kia ít thanh gỗ hơn). Nguyễn Tuân khuyên những người viết trẻ phải đọc nhiều, đi thực tế là cần thiết nhưng chưa đủ.
Phải viết thế nào người ta đọc đi đọc lại thật kỹ vẫn không thể thêm bớt được một chữ nào. Lối đọc sách của Nguyễn Tuân cũng khác lạ là vừa thưởng thức vừa tìm tòi khám phá nên ông đọc rất chậm. Nói về tác giả, tác phẩm nào ông cũng đưa ra những ý kiến, nhận xét riêng độc đáo và sắc sảo. Trong “Trước đèn đọc đoản thiên Ngô Tất Tố”, Nguyễn Tuân khám phá sự bất ngờ sức sống mạnh mẽ, tiềm năng cách mạng trong con người chị Dậu. Điều mà trước ông, nhiều nhà phê bình nhìn nhận ngược lại. Ông phát hiện ra cái âm điệu lạc quan của kết thúc Tắt Đèn (chứ không phải bi quan bế tắc). Ông đã nhìn thấy cái ánh sáng trong cái đêm đen như mực của chị Dậu. Sự ra đi của ông cũng để lại giai thoại rất... Nguyễn Tuân.
Đó là một ngày tháng 7-1987, nhân kết thúc triển lãm hai họa sỹ ở Huế là Bửu Chỉ và Hoàng Đăng Nhuận, Nguyễn Tuân gợi ý tác giả tập sách “Trò chuyện với Nguyễn Tuân” là bà Nguyễn Thị Ngọc Trai tổ chức buổi gặp thân mật. Đêm đó ông đi xích lô về và kể: “Hôm qua mình đi khám ở Việt Xô bác sỹ bắt phải nhập viện, do buổi hẹn hôm nay nên mình khất thứ hai mới vào. Tay bác sỹ căn dặn, tim anh có vấn đề, anh phải cẩn thận, giữ đừng để xúc động mạnh”. Rồi Nguyễn Tuân tự bình luận: một lời khuyên với một nhà văn như vậy có kỳ cục không? Nhà văn mà không được xúc động thì là nhà văn gì. Sáng hôm sau Nguyễn Tuân nhập viện và 40 giờ sau ông đi vào cõi vĩnh hằng.
Sau sự ra đi của nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Bằng Việt có nhận xét: “Một con người Hà Nội rất Hà Nội, một trong những tài năng đã làm văn học Việt Nam hiện đại được xếp ngang hàng với các nền văn học lớn của các dân tộc trên thế giới”. “Vô cùng quý mến và thương tiếc bác Nguyễn Tuân, một con người chẳng những làm nghệ thuật mà còn sống một cách rất văn hóa, nghệ thuật” (GS Nguyễn Đăng Mạnh).
Võ Văn Trường