Trở lại câu chuyện đất nông nghiệp ở Hòa Vang bị bỏ hoang
Trong những lần làm việc với Huyện ủy, chính quyền Hòa Vang, TP Đà Nẵng và mới đây nhất vào đầu tháng 3-2018, khi làm việc với ngành TN-MT thành phố, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa luôn trăn trở: "Hiện nay trên địa bàn Hòa Vang còn tới 400 ha đất nông nghiệp, không sử dụng, không sản xuất được, trách nhiệm của chính quyền và ngành TN-MT phải xử lý thế nào...?. Chúng tôi vừa có dịp tìm hiểu lại vấn đề này...
Đồi núi nham nhở do khai thác đất ở thôn Phước Thuận. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Phát-Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết: Theo Đề án đóng cửa mỏ của UBND thành phố, Hòa Nhơn có 7 mỏ đất, đá tại thôn Phước Thuận đóng cửa, tiến hành cải tạo phục hồi môi trường, tuy nhiên theo đánh giá, khó có thể phục hồi lại hệ sinh thái ban đầu tại các khu vực khai thác mỏ. Hậu quả trước mắt là đời sống dân sinh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Phát cho biết, từ năm 2010 đến nay, toàn xã có hơn 50 ha đất nông nghiệp không sản xuất được do các công ty khai thác đất, đá làm bồi lấp, thi công các dự án, hạ thấp cao trình cải tạo đồng ruộng. Có 18 xứ đồng tại 9 thôn bị ảnh hưởng... trong đó, có hơn 29 ha đất nông nghiệp bị bồi lấp do việc khai thác mỏ đất, đá gây ra. Theo thống kê, thôn Phước Thuận, xứ đồng Hố Rái, bị bồi lấp gần 4,5 ha từ năm 2013 đến nay, các Công ty TNHH Phúc Đặng, DNTN Văn Tân, Công ty CPVLXD Fococev, Công ty TNHH Đại Hồng Tín, Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh chưa chi trả tiền hỗ trợ cho người dân. Xứ đồng Hố Bạc, Lương Điền, Hố Trầu, Đồng Thung, Đá Đen hơn 15 ha bị bỏ hoang từ năm 2010 đến nay, hàng năm các doanh nghiệp chỉ hỗ trợ tiền một vụ mùa cho người dân...
Tại thôn Thạch Nham Đông, xứ đồng Hố Như, Hóc Quả có hơn 8 ha ruộng bỏ hoang từ năm 2009, do khai thác đất đầu nguồn bồi lấp nguồn nước, các đơn vị gây ảnh hưởng là Công ty Tiến Thanh, Công ty TNHH Sơn Hải, Công ty TNHH Vạn Tường. UBND xã Hòa Nhơn đã kiến nghị các doanh nghiệp hỗ trợ cho nhân dân hàng năm, trên các diện tích đất bị bồi lấp, ảnh hưởng do khai thác đất, đá, tuy nhiên như trên đã nêu, nhiều doanh nghiệp đã bỏ mặc, trốn tránh trách nhiệm với người dân nhiều năm qua. Chúng tôi được biết, Sở TN-MT đã thành lập đoàn kiểm tra việc cải tạo phục hồi môi trường tại 19 mỏ đã đóng cửa trên địa bàn thành phố, trong đó đã phát hiện tới 17 mỏ không cải tạo, hoàn thổ theo đúng quy định. Trước thực trạng trên, chỉ riêng địa bàn xã Hòa Nhơn, UBND xã Hòa Nhơn đã có văn bản kiến nghị việc cải tạo phục hồi môi trường tại các mỏ: Đề nghị chính quyền thành phố và ngành chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ yêu cầu các doanh nghiệp khai thác mỏ cải tạo lại môi trường, cảnh quan khu vực đã khai thác mỏ, làm sao cho người dân có thể canh tác, trồng rừng phát triển kinh tế. Khơi thông các dòng chảy tự nhiên bị bồi lấp, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Đối với diện tích đất nông nghiệp không thể sản xuất do bị ảnh hưởng từ việc khai thác mỏ, cho chuyển đổi mục đích sử dụng; hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp. Hỗ trợ người dân những thiệt hại do đất không canh tác, sản xuất được, hỗ trợ về vốn để người dân chuyển đổi ngành nghề sản xuất phát triển đời sống. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Phát, đến nay đã là trung tuần tháng 3-2018, tình hình vẫn "dậm chân" tại chỗ, hơn 50 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Hòa Nhơn vẫn không thể sản xuất được, vì chưa triển khai bất cứ biện pháp cải tạo, phục hồi nào...
Theo ông Nguyễn Tài-Phó phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang, tổng cộng có hơn 148 ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng từ các dự án trên địa bàn huyện Hòa Vang. Trong năm 2017, đã đề nghị thành phố hỗ trợ gần 4 tỷ đồng cho người dân do không sản xuất được. Ông Tài cho biết năm 2018 chắc chắn lại phải đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ. Nhiều cán bộ lãnh đạo ở các địa phương Hòa Vang đều đưa ra ý kiến, đề nghị chính quyền thành phố, ngành chức năng cần cần xử lý nghiêm những trường hợp cải tạo, hoàn thổ, phục hồi mỏ không đúng theo quy định. Yêu cầu các dự án chậm tiến độ, đẩy nhanh tiến độ, để trả lại mặt bằng sản xuất cho người dân. Yêu cầu các đơn vị đã thi công các dự án, khôi phục lại phần diện tích đất nông nghiệp đã làm ảnh hưởng dẫn đến không sản xuất được trong thời gian qua.
Hồng Thanh