Trở lại mảnh đất anh hùng

Thứ hai, 30/04/2018 12:12

Trở lại xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang, Đà Nẵng)  trong những ngày này, mỗi câu chuyện kể của những người từng tham gia kháng chiến, những con người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất anh hùng, niềm tự hào về lịch sử đấu tranh đều pha lẫn niềm vui khi quê hương đổi mới.

Đường làng Bắc An rộng mở, sạch đẹp đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trong chiến tranh chống Mỹ, vùng đất Hòa Lợi cũ (sau này sát nhập với xã Hòa Thái thành xã Hòa Tiến hiện nay) đã có gần 900 du kích trụ bám. Vũ khí tuy thô sơ nhưng đã thực hiện hơn 120 trận đánh lớn, nhỏ. Ngay trong trận đầu tiên đánh Mỹ vào tháng 5-1965, du kích Hòa Lợi đã đẩy lùi 1 đại đội thủy quân lục chiến Mỹ tại Cầu đá La Bông... Cũng trong thời gian đó, mặc dù nhiều vùng khác ở xã Hòa Thái bị địch xúc tác nhưng người dân không chịu tập trung vào khu dồn để thoát ly theo cách mạng, nhiều người kiên quyết trụ lại để làm cơ sở cho cách mạng về nắm tình hình, bám địch. Ngày ấy, đêm đêm dọc sông Yên luôn vang tiếng cuốc, xẻng của người dân đào hầm bí mật dọc theo các lũy tre để khi có "động tĩnh", cán bộ, bộ đội từ trên núi xuống có nơi trú ẩn an toàn. "Hồi đó, ngoài việc đào hầm dọc các lũy tre ven sông, nhà tui còn đào 2 căn hầm bí mật để bộ đội về trinh sát địa hình, khi giặc đánh phá dữ dội có chỗ ẩn nấp. Mỗi ngày, tui và mẹ thay nhau đưa cơm xuống hầm cho các anh. Nhớ lại thời đó, nguy hiểm và gian khó nhưng lại rất đỗi hào hùng" - bà Nguyễn Thị Huẫn (thôn Bắc An) nhớ lại.

Hòa bình lập lại. Những chiến công và cả những hy sinh, mất mát của người dân Hòa Tiến được Đảng và Nhà nước ghi danh: gần 100 Bà mẹ VNAH, tiêu biểu là mẹ Nguyễn Thị Cam (thôn Yến Nê) có 4 người con trai và 1 người con gái hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; hơn 950 liệt sĩ, hàng ngàn thương bệnh binh, gia đình có công. Điều đó cho thấy, trải qua các giai đoạn kháng chiến, vùng đất Hòa Tiến đã bị bom đạn đánh phá ác liệt như thế nào. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân vẫn kiên trì bám đất, bám làng, tận tâm cống hiến sức người, sức của cho công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

"Toàn xã hiện còn 3,5% hộ nghèo theo tiêu chí mới của TP, thu nhập bình quân đầu người của năm 2017 là 37,8 triệu đồng/năm"-Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn vui mừng thông tin. Kết quả ấy là cả quá trình phấn đấu, đoàn kết khắc phục vết thương chiến tranh. Ngày trước, những vùng đất Cẩm Nê, Yến Nê, Bắc An, Thạch Bồ... được nhắc đến như là vùng đất "chết" vì đạn bom cày xới thì ngày nay, nơi đây đã thực sự hồi sinh với các cánh đồng lúa giống rộng gần 100ha, các mô hình trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, rau sạch, chăn nuôi gia súc tập trung. Cùng với đó, chợ đầu mối Lệ Trạch được xây mới, mở rộng nên việc giao thương, buôn bán trên tuyến ĐT605 giáp ranh với các xã Điện Hòa, Điện Tiến, Điện Hồng (TX Điện Bàn, Quảng Nam) và trở thành một khu đô thị sầm uất...

Người dân Hòa Tiến giờ đây luôn nuôi ước mơ và ý thức về làm giàu cho gia đình, quê hương khi có nhiều gia đình làm ăn phát đạt với nhiều mô hình kinh tế hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình mang lại hiệu quả cao. Sau ngày giải phóng, lúc đó lúa chỉ làm được 1 vụ, năng suất không cao. Trồng lúa vất vả đến khi thu hoạch, chỉ cần đủ gạo ăn trong nhà là đã mừng. Sau này, Nhà nước đầu tư làm kênh mương để làm lộ, đồng ruộng đủ nước tưới nên năng suất tăng dần lên, người dân sản xuất 2 vụ. 5 năm trở lại đây, khi chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cơ cấu giống cây trồng chuyển đổi thì năng suất lúa đạt bình quân 4,5-5 tấn/ha/vụ; đặc biệt, vụ đông-xuân 2017-2018, nhiều cánh đồng trồng lúa hữu cơ, cao sản đạt hơn 6 tấn/ha... Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", việc đi lại ở Hòa Tiến hiện nay không còn vất vả. Những bến đò trên sông Yên trước đây, giờ đã được thay bằng chiếc cầu vĩnh cửu, cùng với tuyến đường nhựa rộng 7m nối liền Trung tâm hành chính huyện, chợ Túy Loan (xã Hòa Phong)... Những con đường mở ra, ngoài việc đi lại của người dân, học sinh được thuận lợi còn mang đến cho Hòa Tiến diện mạo, những cơ hội phát triển mới. Đó là việc mua bán nông sản của người dân dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng bị ép giá. Hơn nữa, kết cấu hạ tầng thuận lợi sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư, nhiều lao động địa phương sẽ được giải quyết việc làm, ổn định đời sống hơn.

VY HẬU