Trở ngại "quan hệ mới" Mỹ – Trung
(Cadn.com.vn) - Cuối tháng 12-2013, giáo sư chính trị Mel Gurtov ở Đại học Portland, Mỹ công bố ấn phẩm mang tên “Tương lai bất ổn trong mối quan hệ mới Mỹ-Trung”. Đề tài nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ mới Mỹ- Trung mà theo tác giả, đây là mối quan hệ không có gì là chắc chắn mặc dù được cả hai đưa lên “tầm cao mới”.
Trong những cuộc gặp song phương Mỹ-Trung năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi đây là “mối quan hệ mới” của những cường quốc. Cách gọi này của ông Tập là nhằm nhấn mạnh đến mối quan hệ mới sau khi Tổng thống Obama đưa ra những đề xuất kèm theo những điều cần giải thích.
Tổng thống Mỹ cũng gọi đây là “mối quan hệ mới”. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa hiểu hết cách nói của ông Obama về quan hệ “mới”, khi thực tế mối giao bang giữa hai cường quốc đang có chiều hướng xấu đi, nhất là gần đây khi Bắc Kinh áp dụng chiêu bài bá quyền cũ rích.
Những ý tưởng và trở ngại
Gần đây, Trung Quốc bắt đầu không hài lòng với Mỹ và mong được đối xử bình đẳng chứ không còn lệ thuộc vào Nhà Trắng như trong quá khứ. Trung Quốc đưa ra yêu cầu được đối xử phù hợp, không muốn theo công thức C-2 đồng trị với Mỹ trong các vấn đề quan trọng của thế giới, mà muốn theo công thức G-2, có nghĩa, cùng tư vấn, cùng phối hợp. Theo giới phân tích, để thực hiện được sự bình đẳng theo công thức G-2, có ít nhất 5 trở ngại mà Trung Quốc phải vượt qua.
Thứ nhất, trách nhiệm quốc tế mà phía Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải đáp ứng, Bắc Kinh phải trở thành cổ đông có trách nhiệm quốc tế, phải có năng lực và đảm nhận được chức năng này và hỗ trợ Washington giải quyết những điểm nóng thế giới như sự kiện hạt nhân Triều Tiên, vấn đề hạt nhân ở Iran, chính sách kinh tế toàn cầu... Thậm chí, Nhà Trắng còn nhấn mạnh sự lớn mạnh của Bắc Kinh phải đồng nghĩa với sự ổn định hòa bình thế giới, vấn đề cốt lõi đang được dư luận quan tâm.
Đặc biệt, gần đây, Mỹ còn yêu cầu phía Trung Quốc giải thích vai trò “nước lớn” của họ tại biển Đông và biển Hoa Đông, vấn đề năng lượng... mà Trung Quốc cố tình lảng tránh. Dù đưa ra mô hình quan hệ “mới” nhưng Washington muốn nhắc khéo Bắc Kinh về vai trò “anh cả” mà Bắc Kinh muốn được chơi ngang bằng và dân chủ với Mỹ.
Thứ hai, để xây dựng quan hệ mới, đặc biệt khi muốn trở thành nước lớn, Trung Quốc phải gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Hiện tại, dù thừa nhận Mỹ có ảnh hưởng lớn ở Đại Tây Dương nhưng Trung Quốc lại không thừa nhận ưu thế của Mỹ ở Châu Á và Tây Thái Bình Dương mà lại coi Washington là cái gai cản trở sự phát triển của Trung Quốc trong khu vực. Chính điều này Mỹ coi thường Trung Quốc, đặc biệt là trách nhiệm quốc tế của một nước lớn.
Thứ 3 là di sản còn tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh, đặc biệt khi Trung Quốc thường xuyên coi Mỹ là người sáng tạo ra Chiến tranh Lạnh và nay lại muốn tạo ra thêm một chiến tranh lạnh mới. Người Trung Quốc muốn tìm một trật tự thế giới mới, thế giới hài hòa, và không chịu lép vế trước Mỹ.
Thay vì Chiến tranh Lạnh, người Trung Quốc tạo ra hàng loạt những cuộc chiến mới như chiến tranh không gian mạng như từng thấy ở Đài Loan, tranh chấp lãnh thổ trên biển lẫn trên đất liền, xây dựng khu vực nhận dạng phòng thủ trên không (ADIZ)...
Thứ 4, các vấn đề có liên quan đến thông tin liên lạc giữa 2 quốc gia. Để xác định trách nhiệm quốc tế, hai bên đưa ra nhiều thuật ngữ, cách gọi nhưng chưa bên nào thống nhất. Ngay cả khi việc “tự do dân chủ”, “bảo vệ quyền con người” giữa Trung Quốc và Mỹ cũng chưa thống nhất. Chính những trở ngại này khiến các nhà báo Mỹ làm việc tại Trung Quốc gặp không ít khó khăn.
Trở ngại thứ 5 là sự mất cân bằng về quân sự, mặc dù giới phân tích xem Trung Quốc đang bắt kịp khả năng quân sự với Mỹ nhưng chỉ số sức mạnh quân sự của Trung Quốc vẫn còn kém xa, kể cả vũ khí hạt nhân lẫn các loại vũ khí thông thường (thực tế lẫn tiềm năng).
Và Mỹ sẽ không đứng yên khi Trung Quốc thực hiện việc hiện đại hóa quân đội bất chấp việc phải chi một khoản ngân sách khổng lồ bởi Nhà Trắng đã rút ra nhiều bài học từ thời Chiến tranh Lạnh.
Mối quan hệ “mới”- hướng đi tình thế trong tương lai
Với 5 trở ngại nói trên, việc xây dựng mối quan hệ mới mà ông Tập Cận Bình đưa ra là vấn đề thông minh và tế nhị.
Việc đưa ra một mô hình quan hệ Mỹ- Trung đi theo hướng nào là quyền của mỗi quốc gia. Nhưng trong bối cảnh lệ thuộc lẫn nhau đã trở thành quy luật của sự tồn tại và phát triển thì cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều phải quan tâm đến tiêu chí hòa bình hữu nghị, chứ không phải theo đuổi chính sách bá quyền.
Cũng phải nói thêm rằng, ngay cả Mỹ hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, cả trong nước lẫn vấn đề ở nước ngoài, Mỹ cũng không thể một mình làm được mọi thứ.
Chính vì vậy, mỗi nước cần thấy rõ trách nhiệm để chia sẻ, theo đuổi mô hình hợp tác tôn trọng và có lợi. Riêng Trung Quốc muốn trở thành cường quốc cũng phải làm tốt bổn phận, trong đó có cả vai trò giữ gìn hòa bình lẫn vai trò phát triển, trách nhiệm chống khủng hoảng cho đến trách nhiệm chống biến đổi khí hậu giống như Mỹ và các cường quốc khác.
Lịch sử cho thấy nếu mối quan hệ giữa các cường quốc được duy trì tốt sẽ có tác dụng tích cực trong việc bảo toàn an ninh và ổn định chính trị tại khu vực lẫn trên toàn thế giới.
Duy Hùng
(Theo AP)