Trở về từ Hoàng Sa

Thứ hai, 21/07/2014 07:54

(Cadn.com.vn) - Cập bến an toàn sau những ngày đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa và đưa tàu về đất liền trú bão Sammasun, các ngư dân trên tàu QNa 90448 TS vừa bị tàu Trung Quốc đâm trực diện làm rạn nứt phần mũi thân tàu vào ngày 12-7 đã quây quần trên ca bin nhâm nhi chút cá khô gọi là mừng thoát nạn trước khi về với vợ con. Ông Trần Văn Kỳ, chủ tàu cá QNa 90448 TS ở xã Tam Hải (H. Núi Thành, Quảng Nam) cho biết: Tàu ông đang hoạt động đánh bắt ở khu vực cách giàn khoang 981 khoảng 45 hải lý thì xuất hiện đội tàu vỏ sắt Trung Quốc vây ráp.

Ban đầu các tàu này chỉ vờn quanh các tàu cá của ngư dân Núi Thành để uy hiếp rồi chạy cắt mũi, cắt lái cố tình tạo tình huống để tàu cá của ngư dân đâm vào tàu Trung Quốc. Nhưng các thủ đoạn này đã bị các ngư dân Núi Thành “bắt bài” nên đã có rất nhiều cách né tránh. Chỉ khi chiếc tàu Trung Quốc mang số hiệu 06610 không kìm chế được trước sự mưu trí của ngư dân Quảng Nam nên đã lao tới với tốc độ cao, hung hăng đâm thẳng vào mũi tàu cá QNa 90448TS của ông Kỳ.

Tàu Trung Quốc 06610 đâm trực diện tàu cá QNa 90448 TS của ông Trần Văn Kỳ.

Sau cú đâm chí mạng của tàu Trung Quốc, chiếc tàu cá mới cứng công suất 700CV vừa đóng mới, hạ thủy này đã bong các khớp nối phần mũi tàu. Phần đáy bị rạn nứt buộc các ngư dân phải mất một ngày thay phiên ngậm ống thở, lặn xuống biển bịt kín lại các vết rạn nứt dưới đáy. Dù bị đâm hỏng tàu nhưng các ngư dân trên tàu cá vẫn tự khắc phục để tiếp tục bám biển nhằm tỏ thái độ phản đối hành động hung bạo của tàu Trung Quốc.

Ngư dân Nguyễn Tấn Lý, thuyền viên tàu cá QNa 90448 TS quả quyết: “Tàu Việt Nam mình tuy bé nhưng lòng con người Việt Nam không hề nhỏ bé. Chúng tôi sẽ kiên cường bám biển, vẫn chiến đấu với các tàu của Trung Quốc dù cho tàu Trung Quốc toàn là tàu sắt, nó to hơn, nó không ngại tông va với mình. Nhưng không vì thế mà chúng tôi lo sợ. Tàn bạo không bao giờ thắng được chính nghĩa, đó là chân lý”. Ông Kỳ bày tỏ: “Tàu mình là tàu gỗ, Trung Quốc trang bị toàn tàu sắt nặng hàng chục tấn thì làm sao mình dám va chạm. Chỉ có họ phục mình thì mình mới bị thôi. Thấy nó lao tới, mình cài số de với tốc độ mạnh. Rứa mà hắn vẫn cứ tông thẳng vào. May là tàu của tui toàn gỗ mới, chứ nếu gặp tàu cũ thì chìm mất rồi”.

Ngư dân tàu cá QNa 91939 với chiếc móc câu của tàu Trung Quốc dùng kéo rách lưới và neo dù (ảnh ngư dân chụp trên vùng biển Hoàng Sa).

Không riêng gì tàu cá QNa 90448 TS, nhiều tàu cá ngư dân Quảng Nam cũng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi. Tàu cá QNa 91259 TS của ông Trần Sành ở thôn Sâm Linh (Tam Quang, H. Núi Thành) phải thường xuyên phì khói đen, mở hết tốc lực cố thoát khỏi các đội tàu hung hăng của Trung Quốc rượt đuổi ngay trên chính ngư trường truyền thống của mình. Ông Sành bức xúc: “Tàu Trung Quốc toàn vỏ sắt, to vật vã như thế mình phải chạy né chứ biết làm răng chừ. Lợi thế là tàu cá mình nhỏ xoay trở nhanh nên cứ bẻ lái chạy vòng tròn là nó chịu thua. Để nó tông thì nát tàu mình mất, lấy đâu ra phương tiện làm ăn sinh sống”.

Tàu vỏ sắt Trung Quốc số hiệu 06610 đã thực hiện nhiều cú đâm va trên biển
với ngư dân Quảng Nam.

Cùng trở về từ Hoàng Sa, tàu cá QNa 91939 của ông Võ Quang Thái, ở xã Tam Quang cũng chịu chung số phận khi tàu vỏ sắt Trung Quốc liên tục kẹp sát dùng móc câu phá neo, phá lưới, sau đó đâm sượt vào mạn phải thân tàu. Ông Võ Quang Thái cho biết: “Tàu Trung Quốc chạy lại cắt mặt tàu ngư dân, bỏ móc câu xuống, kéo toạt neo dù của mình rồi lu loa không cho mình làm trên vùng biển nớ. Họ kêu biển của họ, không cho mình làm. Mình làm ở tọa độ 110 là còn khơi đó, nếu dô luôn trong lộng nữa thì bà con mình còn chỗ mô làm ăn?”. Rít một hơi thuốc dài ông Thái tiếp tục: “Tàu Trung Quốc sơn phủ lại toàn bộ các số hiệu tàu chứ đâu để rõ ràng như mình. Ví dụ, bên ni là số 9113... thì bên kia mạn tàu là số 9116... Họ móc rách lưới, rách neo dù của mình rồi còn quay lại tỏ ý muốn xin lại cái móc mà mình đã thu giữ”                                            

Từ thái độ phản ứng của các ngư dân đã trực tiếp khai thác trên ngư trường Hoàng Sa phản ánh cho thấy, Trung Quốc luôn gia tăng các hành động uy hiếp và không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào kể cả hành động phủ sơn, thay lại toàn bộ số hiệu mới để chuẩn bị một cuộc chiến lâu dài với ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, độc chiếm biển Đông.

Bài, ảnh: Quốc Vũ