Trọn đời với sự nghiệp trồng người

Thứ sáu, 21/11/2014 10:15

(Cadn.com.vn) - Vừa mới nhận quyết định nghỉ hưu đã có người mời ông về làm hiệu trưởng một trường tư thục, thế nhưng ông đã từ chối để bắt tay vào hoạt động khuyến học, khuyến tài với tấm lòng nhiệt tâm, không nghĩ đến vụ lợi.

Những cống hiến của ông đã tạo ra những bước đi vững chắc cho hoạt động khuyến học, khuyến tài tại vùng đất còn lắm nghèo khó. Ông là Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Khuyến học Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng).

Nhà giáo Ưu tú Trần Anh Tuấn

Bước ra từ môi trường giáo dục, hơn ai hết, NGƯT Trần Anh Tuấn hiểu trọng trách của mình là tiếp lửa truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ quê nhà. Về hưu, ông vẫn giữ thói quen đến thăm hỏi, chuyện trò cùng nhiều gia đình trong phường. Qua đó, ông có dịp chia sẻ nhiều kỷ niệm của bản thân, của đồng nghiệp trong những năm làm công tác quản lý, giáo dục và dạy bảo học sinh.

Chính ông cũng không ngờ những câu chuyện về nghề ấy lại có tác động lớn đến mọi người trong việc giáo dục con cái, cháu chắt. Giờ đây, bà con thường đến nhà ông mỗi lúc vui buồn hay gia đình gặp chuyện để nghe người thầy giáo già "hiến kế" dạy con. Được chính quyền và bà con bầu vào nhiều chức vụ quan trọng, ở cương vị nào, ông cũng giữ vững nguyên tắc: "Việc gì tốt cho học sinh thì làm".

Hàng ngày, thấy cuộc sống đồng nghiệp cũng như hoàn cảnh gia đình học sinh nào gặp khó khăn, ông Tuấn lại tất bật ngược xuôi tìm cách giúp đỡ. Ai thắc mắc, ông hóm hỉnh bảo: "Tôi chỉ có một nghề là... nghề giáo. Thế nên, việc giúp học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh éo le, khó khăn là chuyện thường phải làm".

Vì vậy, ông rất hạnh phúc mỗi khi vận động được một tổ chức, đơn vị nào đến tặng quà, học bổng, tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo, hay vận động giúp đỡ học sinh tàn tật, mồ côi. Là một trong số rất ít nhà giáo có thâm niên gắn bó lâu năm với công tác khuyến học, khuyến tài, NGƯT Trần Anh Tuấn tâm niệm: "Mình sống không phải chỉ cho bản thân mà cho cả những thế hệ trẻ tương lai, cho cả những mảnh đời học sinh không may gặp hoàn cảnh éo le, khốn khó". Thế nên, dẫu sức khỏe hạn chế, người thầy giáo già 72 tuổi vẫn luôn nỗ lực, gắn bó với công việc khuyến học gần 8 năm nay.

Những năm trước đây, một số học sinh Q. Ngũ Hành Sơn bỏ bê học hành, hay tụ tập làm ảnh hưởng đến an ninh địa phương. Trước thực tế ấy, người giáo già cùng với những người uy tín trong Hội Khuyến học bàn bạc, tìm cách giải quyết. Với vốn sống dạn dày, ông cho rằng: "Không ngẫu nhiên mà các em học sinh lại ham chơi, bỏ bê học tập".

Nghĩ vậy, ông cùng những thành viên khác đến nhà các em học sinh để thăm hỏi và chia sẻ với phụ huynh cách nuôi dạy con cái. Qua đó, nhiều gia đình trong thôn đã quản lý con cháu chặt chẽ hơn, hóa giải được mâu thuẫn, không để ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Song song với việc làm ấy, họ còn lựa lời khuyên bảo giáo dục các em học sinh hư. Ngoài ra, ông Tuấn cùng những nhà giáo khác còn góp phần hàn gắn các gia đình có nguy cơ rạn nứt, động viên con cháu trở lại trường.

Với suy nghĩ, để làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài thì một mình Hội Khuyến học sẽ không làm được, ông đã đề xuất thực hiện việc thành lập các Chi hội khuyến học ở cơ sở nhằm tạo nên một sức mạnh tổng hợp, gắn liền với công tác an sinh xã hội.

Từ những kinh nghiệm thực tế hoạt động, NGƯT Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Làm công tác khuyến học không phải mình đi xin vài ba đồng bạc về cho học sinh là được, mà phải làm sao cho mọi tầng lớp nhân dân, cùng các đoàn thể, tổ chức xã hội hiểu rõ được ý nghĩa của hoạt động khuyến học, khuyến tài, phát huy giá trị truyền thống hiếu học trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi dòng họ... Có làm được như vậy, Hội Khuyến học mới trở thành một tổ chức xã hội rộng lớn, sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Hội thực sự là người bạn đồng hành, là cánh tay nối dài, đắc lực của ngành giáo dục và đào tạo và là nguồn động viên cho học sinh nghèo, tiếp sức cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh éo le, nâng bước cho các em có cơ hội vươn lên trong trường học, trường đời".

Đại Khải