Trông chờ gì từ nhà máy đốt rác phát điện 2.000 tỷ đồng ở Đà Nẵng?

Thứ sáu, 03/11/2023 10:27
Siêu dự án đốt rác phát điện có công suất 650 tấn/ngày đêm của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Khu liên hiệp xử lý rác thải rắn Khánh Sơn (quận Liên Chiểu).
Do rác không được phân loại, không thể đưa vào máy đốt phát điện, vì thế gần như rác thải rắn tại Đà Nẵng được đem chôn lấp hợp vệ sinh.
Dự án nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Môi trường Việt Nam "treo" từ năm 2015 đến nay

Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án hơn 404 tỷ đồng, vốn huy động từ tổ chức tín dụng hơn 1.600 tỷ đồng, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý 3-2026.

Cổng vào nhà máy rào lại

Với công nghệ đốt phát điện hiện đại, chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại sẽ được xử lý, sau đó xỉ được sử dụng sản xuất gạch block không nung, cấu kiện bê-tông.

Muốn đốt rác phát điện hiệu quả trước tiên phải phân loại rác tại nguồn thật tốt

Trước đó, từ năm 2010 Đà Nẵng đã giao đất cho Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn và phát điện công suất 650 tấn/ngày đêm tại Khánh Sơn. Sau 5 năm xây dựng, nhà máy này mới đi vào hoạt động, nhưng vừa được 6 tháng thì đóng cửa do công nghệ đốt lạc hậu, chi phí thu không đủ chi, không đủ nguồn rác đã phân loại để đưa vào xử lý.

Do rác không được phân loại, không thể đưa vào máy đốt phát điện, vì thế gần như rác thải rắn tại Đà Nẵng được đem chôn lấp hợp vệ sinh.

Năm 2019, Đà Nẵng thống nhất chủ trương theo đề xuất chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải của chủ đầu tư. Sau đó, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, nhưng do thủ tục vướng mắc nên dự án "dẫm chân tại chỗ" từ đó đến nay. Mặc dù, theo Nghị quyết 86 của Hội đồng nhân dân thành phố, dự án phải đi vào hoạt động từ năm 2022.

Hy vọng tới năm 2026, Đà Nẵng sẽ có nhà máy xử lý rác thải rắn như kỳ vọng!

HẢI QUỲNH