Trong nỗi nhớ nước Nga

Thứ tư, 05/11/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Đã từng có một thế hệ trẻ từ suốt các thập niên từ 60-80 háo hức được qua xứ bạch dương, tiếp thu nền khoa học kỹ thuật hiện đại của nước bạn. Thượng tá Nguyễn Đức Long, Phó Chủ nhiệm kỹ thuật Sư đoàn Phòng không 375 (Quân chủng Phòng không- Không quân) cũng thế. Năm 1982, sau khi học tiếng Nga ở Học viện Kỹ thuật quân sự, anh được chọn đi học 5 năm khoa ra-đa Trường kỹ sư chỉ huy phòng không Odessa (Ukraine). Trường chuyên đào tạo kỹ sư tên lửa, ra-đa, chỉ huy phòng không.

Lớp ra-đa cảnh giới dẫn đường chỉ có 9 người trong đó có 3 học viên Việt Nam vậy mà vẫn được dạy bài bản, chính quy. Biết số tiền 75 rúp, sau này là 100 rúp bạn hỗ trợ hàng tháng chỉ đủ để bảo đảm chi phí tại chỗ, ban quản lý chỉ cho cách làm thêm, cải thiện trong những dịp nghỉ hè, nghỉ đông. Các anh còn được đi thăm hàng chục thành phố lớn của nước Nga, đến với các di sản văn hóa, giao lưu với học sinh Việt Nam ở mọi miền nước Nga. Vượt qua hơn 30 học phần với sự tận tâm của các thầy cô, cả 3 học sinh Việt Nam đều tốt nghiệp loại ưu.

Nguyễn Đức Long (hàng đứng, ngoài cùng bên phải) tại lễ tốt nghiệp năm 1987.

 Thượng tá Nguyễn Đức Long khá may mắn khi sau khi từ giã mái trường nước bạn (1987) anh đã có 4 chuyến qua làm việc với chuyên gia Nga về ra-đa trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Mỗi chuyến đi dài từ nửa tháng đến 3 tháng. Đi đến đâu, đoàn Việt Nam đều nhận sự đón tiếp nồng hậu của nước bạn, dù bây giờ việc sản xuất các loại ra-đa không còn của riêng quân đội. Nhớ nhất năm 2012, anh Anatoli, Phó phòng an ninh của một tổ hợp sản xuất ra-đa ở Ukraine đã dành cho Việt Nam tình cảm quý mến trân trọng. Anatoli nói rằng, họ vẫn luôn hoài niệm về những năm tháng nước Nga Xô Viết và giấu chặt trong tim tình cảm đó. Khi nghe anh Long thổ lộ rất thích những bộ phim "Đàn sếu trở về", "Moscow không tin vào những giọt nước mắt"…, Anatoli đã sưu tầm 6 tập đĩa, mỗi đĩa hàng chục phim, ra tận sân bay để chia tay và tặng cho người bạn Việt Nam của mình.

Năm 2009, trong một lần qua Nga công tác, nỗi nhớ về trường xưa đã thôi  thúc anh và đồng đội khóa trước vượt hơn 600 cây số về Odessa. Ngôi trường không còn hoạt động từ sau năm 1990, nhưng vẫn còn đó tòa lâu đài sừng sững. Đã có hàng trăm cán bộ phòng không Việt Nam trưởng thành từ đây. Các anh như thấy đâu đó bóng dáng thầy giáo Anddrisin dạy lý thuyết mạch có thể chấm bút cho điểm 2 nếu trò học không đạt, nhưng sẵn sàng bỏ thêm hàng giờ để kèm cặp học sinh nào chưa hiểu. Thầy giáo chuyên ngành Kraxốpxki lăn lộn 6 tháng ở thao trường với học sinh. Những giọt mồ hôi rơi giữa ngày đông bởi quần thảo hàng giờ với các loại khí tài đồ sộ. Cô giáo dạy tiếng Nga với những món quà tặng sinh nhật đầy bất ngờ trong khi các anh không hề nhớ đến…

Điều có ý nghĩa là hội học sinh Trường kỹ sư chỉ huy phòng không Odessa luôn có các hoạt động thường xuyên hàng chục năm nay để nhớ về Nga. Chủ nhật đầu tiên của tháng 12, sau âm hưởng của cách mạng Tháng 10 Nga, Ban liên lạc của trường tổ chức họp ở Hà Nội. Các học sinh của nhiều khóa đã có những giây phút sôi nổi bên nhau. Những đĩa hát thời cũ, các kỷ vật còn lưu giữ, cả  phút xao lòng với những cô gái Nga xinh đẹp đều được họ hát và kể, gợi về nhiều kỷ niệm thân thương. Nước Nga càng gần gũi hơn, khi các anh vẫn gặp thường xuyên những người bạn Nga đại diện cho các đơn vị sản xuất sang Việt Nam bảo hành khí tài mới. Tình cảm hai bên dành cho nhau vẫn nồng thắm như xưa.

Thượng tá Long nói rằng, những người lính phòng không các anh không bao giờ quên ơn  nước Nga. Khối lượng kiến thức được học ở các trường nước bạn thực sự là hành trang quý giá để các anh áp dụng vào quản lý, sử dụng khí tài hiện có, bảo vệ, quản lý, làm chủ vùng trời, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống. 

Hồng Vân