Trung-Mỹ: Bắt tay hay đối đầu?
(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ Mỹ-Trung luôn được đánh giá là phức tạp và khó đoán nhất thế giới. Hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này tồn tại kiểu quan hệ như "vừa bắt tay vừa đối đầu" trên nhiều mặt trận. Vì vậy, tờ Nationalinterest cho rằng, nếu không cẩn thận, những mồi lửa dưới đây có thể thổi bùng xung đột vũ trang giữa hai ông lớn.
"Cuộc tấn công trinh sát phức tạp" của PLA
Thuật ngữ "Cuộc tấn công trinh sát phức tạp" ra đời giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh và hiện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phát triển được hệ thống riêng, gồm vệ tinh, các loại cảm biến không gian và cảm biến khác.
Trên thực tế, Trung Quốc vượt Mỹ về khả năng được trang bị các tên lửa đạn đạo có tầm đe dọa lớn, cũng như tên lửa hành trình chống ngầm. Theo báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc và thông tin từ Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, PLA hiện đang tiếp tục mở rộng năng lực thiết bị lực cảm biến giám sát trên không, đặc biệt là trên bầu trời đại dương. Những gì còn lại Mỹ chưa biết, đó là khả năng tác chiến của binh sĩ PLA liên quan đến mạng cảm biến và hệ thống thông tin để tăng cường sức mạnh "chống hải quân" đối phương. Ngoài ra, Washington cũng chưa rõ độ tin cậy của các loại tên lửa chống tàu tầm xa của PLA khi được dùng tấn công các mục tiêu di động và được bảo vệ tốt trên biển. Nhiều thử nghiệm trong những năm tới sẽ được tiến hành để trả lời câu hỏi này cũng như tìm hiểu khả năng tác chiến vũ khí của Trung Quốc trong tương lai.
Căn cứ không quân Yokota của Mỹ ở Nhật Bản. Ảnh: AFP |
Hệ thống phòng thủ tên lửa tàu sân bay của Mỹ
"Điều tàu sân bay" được xem là chiến thuật phản ứng nhanh của Mỹ được duy trì xưa nay. Điều này được chứng minh qua các đời Tổng thống Mỹ. Chẳng hạn, Tổng thống Bill Clinton đã từng đưa 2 tàu sân bay trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan (Trung Quốc) năm 1996.
Mặc dù mối đe dọa tên lửa đối với tàu sân bay Mỹ ngày càng tăng, Lầu Năm Góc vẫn chưa có những phản ứng tích cực, vẫn sử dụng thủ thuật nói trên. Điều này có thể là thảm họa nếu phòng thủ tên lửa tàu sân bay không có đủ và không hiệu quả, nhất là khi đối phương có những vũ khí hiện đại như "sát thủ diệt tàu sân bay" DF-21D của Trung Quốc. Hải quân Mỹ hiện đang phấn đấu nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa. Dự kiến, trong thập kỷ tới, khả năng phòng thủ tàu sân bay của Hải quân Mỹ hoàn toàn có thể ngăn chặn một cuộc tấn công với hơn 100 tên lửa, đến từ một hay hai hướng.
Tên lửa PLA và các căn cứ Mỹ ở Tây Thái Bình Dương
Bắt đầu từ những năm 1990, giới phân tích quân sự Mỹ bắt đầu để ý đến các mối đe dọa tấn công từ mặt đất của tên lửa PLA đối với các căn cứ không quân, hải quân của Mỹ và đồng minh ở Tây Thái Bình Dương.
Theo đó, Lầu Năm Góc tăng cường tên lửa phòng thủ và áp dụng phương án "Rapid Raptor", trong đó lực lượng không quân Mỹ sẽ phân tán thành nhóm nhỏ với các máy bay chiến đấu tấn công và máy bay vận tải hỗ trợ đóng tại nhiều nơi, riêng Thủy quân lục chiến còn được trang bị thêm các phi đội F-35B. Phân tán lực lượng được xem là phương án khả thi trong bối cảnh hiện nay, song nó lại không an toàn so với các căn cứ lớn. Ngoài ra, những khó khăn liên quan đến hỗ trợ hậu cần cũng không đảm bảo nếu các căn cứ nhỏ phân bố rộng. Điều này không chỉ gây đau đầu cho phía Mỹ mà ngay cả Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn tương tự.
Các chương trình "làm mù"
Cả quân đội Mỹ lẫn PLA đều có kế hoạch ngăn chặn "vô hiệu hóa" khả năng thu thập thông tin tình báo chiến trường và truyền thông tin, mệnh lệnh tiếp đến cho các đơn vị đang tác chiến.
Ngoài khả năng "làm mù", "làm điếc" vũ khí không gian, cả hai bên cũng đang gấp rút phát triển vũ khí điện tử (EW) - vốn có khả năng gây nhầm lẫn tên lửa của đối phương và làm tắc nghẽn thông tin liên lạc của kẻ thù. So với Washington, Bắc Kinh có nhiều lợi thế trong việc sản xuất và thử nghiệm vũ khí EW, đặc biệt là thử nghiệm tại các căn cứ đảo và trong lực lượng đặc nhiệm hải quân. Giả sử, khi cả hai bên làm gián đoạn mạng lưới vệ tinh của nhau, thời gian phục hồi của Trung Quốc sẽ nhanh hơn, tổn thất ít hơn so với Mỹ. Nhưng Washington lại có cả một hệ thống đồng minh rộng lớn trong khu vực hỗ trợ, vì vậy Trung Quốc cũng rất lo ngại thế mạnh tác chiến điện tử của Mỹ nếu chiến tranh xảy ra.
Kim Hùng
(Theo NOC)