Trung-Mỹ bàn về biển Đông

Thứ hai, 18/05/2015 08:46

(Cadn.com.vn) - Chủ tịch Trung Quốc nỗ lực làm dịu mối quan hệ đang căng thẳng với Mỹ khi đón tiếp Ngoại trưởng John Kerry đến Bắc Kinh trong bối cảnh cả hai đang tồn tại những khác biệt sâu sắc xung quanh vấn đề leo thang căng thẳng ở biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) chào đón Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 17-5.  Ảnh: Reuters

Tại buổi hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 17-5, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, mối quan hệ giữa hai nước vẫn ổn định, động thái rõ ràng nhằm xoa dịu căng thẳng sau tranh cãi về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông vốn gây ra mối nguy cơ đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Theo quan điểm của tôi, mối quan hệ Trung-Mỹ vẫn ổn định”, ông Tập nói với Ngoại trưởng Kerry trong phiên họp mở tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Theo Reuters, ông Tập tiếp tục bày tỏ “mong muốn được tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Barack Obama và thúc đẩy mối quan hệ song phương lên tầm cao mới theo mô hình mới trong mối quan hệ nước lớn”.

Chuyến đi của ông Kerry đến Bắc Kinh lần này chủ yếu nhằm dọn đường cho Diễn đàn đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ-Trung hàng năm, sẽ diễn ra vào tháng tới tại Washington cũng như chuẩn bị cho chuyến công du của ông Tập đến Mỹ vào tháng 9 tới, chuyến đi mà nhà lãnh đạo Trung Quốc rất mong đợi. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần nói với Tổng thống Mỹ về mong muốn cho một “mô hình mới của mối quan hệ nước lớn”, trong đó Trung Quốc sẽ được xem như là một cầu thủ toàn cầu cân bằng với Mỹ.

Tuy nhiên, chuyến công du bị chi phối sâu sắc từ mối quan tâm an ninh hàng hải về những tham vọng vô lý của Bắc Kinh ở biển Đông. Trong ngày đầu tiên thăm Trung Quốc hôm 16-5, ông Kerry kêu gọi Bắc Kinh hãy hành động để giảm bớt căng thẳng ở biển Đông. Tuy nhiên, lời kêu gọi này vấp phải “sự từ chối thẳng thừng” từ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị  - người tuyên bố quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ lợi ích trong khu vực này là “cứng như đá”.

Việc Trung Quốc tuyên bố khoảng 90% chủ quyền trong số 3,5 triệu km2 biển Đông cùng với việc tiến hành cải tạo đất tại khu vực tranh chấp đang đặt ra nhiều quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Philippines, một quốc gia đồng minh của Mỹ, đã kêu gọi Washington hành động khẩn cấp.

Vì thế, không nằm ngoài dự đoán, trong chuyến đi này, ông Kerry nêu băn khoăn của mình về tốc độ và phạm vi cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông. Đáp lại, phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại về  việc Mỹ có kế hoạch điều tàu chiến và máy bay quân sự đến biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở tuyến hàng hải quan trọng này. Bắc Kinh cũng bác bỏ vai trò của Mỹ trong các tranh chấp và đổ lỗi cho Nhà Trắng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực khi khuyến khích các nước tham gia vào các “hành vi nguy hiểm”.

Đó là lý do tại sao Chủ tịch nước chủ nhà cũng nói với vị thủ lĩnh ngoại giao Mỹ rằng, Trung-Mỹ cần phải xử lý các tranh chấp trong một cách mà sẽ không làm tổn hại quan hệ song phương. Tuy nhiên, ông Tập cũng “ve vãn” ông Kerry khi tuyên bố, hai bên cần quản lý, kiểm soát và xử lý các tranh chấp một cách thích hợp để định hướng chung của mối quan hệ song phương sẽ không bị ảnh hưởng”. Bởi theo nhà lãnh đạo Trung Quốc: “việc mở rộng Thái Bình Dương đủ rộng lớn cho Bắc Kinh và Washington nắm lấy”.

Tuy nhiên, dù nói gì đi chăng nữa, thực tế cho thấy, các chuyên gia đã đúng khi dự báo rằng, thủ lĩnh ngoại giao của cường quốc số 1 thế giới phải ngậm ngùi rời Trung Quốc mà không có bất kỳ cam kết nào của Bắc Kinh về việc sẽ làm hạ nhiệt biển Đông.

Khả Anh