Trung Quốc căng mình chống lũ lụt

Thứ tư, 22/07/2020 16:10

Những trận mưa lớn liên tiếp trút xuống trên diện rộng, khiến tình hình lũ lụt ở Trung Quốc ngày càng tồi tệ, trong đó nguy cơ mới nhất được cảnh báo tại sông Hoài Hà và cả thượng nguồn và hạ nguồn sông Dương Tử.

Các sĩ quan cảnh sát sơ tán trẻ em mắc kẹt trong nước lũ ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc hôm 20-7.  Ảnh: China Daily

Nguy cơ lớn ở sông Hoài Hà, Dương Tử

Mưa lũ khiến mực nước ở hàng trăm con sông của Trung Quốc vượt mức báo động. Kể từ đầu tháng, sông Dương Tử, sông dài nhất Trung Quốc, đã đón 2 đợt lũ, gây sức ép lớn cho các đập, trong đó có đập Tam Hiệp. Theo dự báo, sông Dương Tử sẽ đối mặt nguy cơ tồi tệ trong 3 ngày tới khi mưa lớn không ngừng.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia nước này cho biết, cho đến tối 20-7, mưa lớn và bão vẫn liên tục đổ bộ vào các vùng Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam và Tây Tạng, trải dài từ phía Đông Bắc xuống phía Nam và Tây Nam cũng như khu vực phía Nam sông Dương Tử. Tỉnh An Huy là một trong những nơi tình hình lũ lụt nghiêm trọng nhất. Mưa lớn kể từ ngày 2-7 gây ra lũ lụt tại 80 quận tại 14 thành phố trực thuộc tỉnh này, ảnh hưởng cuộc sống của 4 triệu người dân và gây thiệt hại kinh tế khổng lồ. Do tình hình mưa lớn nguy cấp, chính quyền tỉnh An Huy hôm 20-7 quyết định cho mở các cửa xả ở nhiều đập phía Đông để xả lũ. Hiện mực nước ở một số sông và hồ ở tỉnh này đã vượt quá mức cảnh báo, ghi nhận tại các trạm thủy văn Vương Gia Bối trên sông Hoài Hà và trạm thủy văn trên hồ Sào - hồ nước lớn nhất An Huy.

Nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng cũng hiện hữu dọc theo sông Hoài Hà, một phần của đường phân chia giữa khu vực phía bắc và phía nam của Trung Quốc. Mực nước ở sông này đã tăng trên mức kích hoạt cảnh báo, với dự báo mưa lớn hơn cho lưu vực sông. “Mực nước dự kiến sẽ tiếp tục lên cao”, giới chức Trung Quốc cho biết trong một bản tin phát hành hôm 21-7. Từ hôm 20-7, giới chức Trung Quốc đã đưa ra một cảnh báo đỏ về lũ lụt ở sông Hoài Hà, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo 4 màu, đồng thời nâng cấp ứng phó khẩn cấp lên cấp I, cao nhất, trong tình trạng “kiểm soát lũ lụt nghiệt ngã”. Là một trong 7 tuyến đường thủy chính của đất nước, nguy cơ lũ lụt ở sông Hoài Hà sẽ gây ra nhiều khó khăn ở khu vực này, nhất là các tỉnh Giang Tô và Sơn Đông.

Tuy nhiên, Bộ Quản lý khẩn cấp của Trung Quốc cho biết: “Điều tồi tệ hơn có thể chưa đến. Toàn bộ lưu vực sông Dương Tử chỉ mới bắt đầu đỉnh điểm của mùa lũ hàng năm, thường kéo dài nửa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8”.

Nhiều quốc gia Châu Á cũng khốn đốn

Các đợt mưa lớn kéo dài từ cuối tháng 5 cũng khiến nhiều quốc gia ở Châu Á rơi vào cảnh ngập lụt, hàng triệu người phải sơ tán, thiệt hại kinh tế lên đến hàng tỷ USD.

Các trận lũ lụt nghiêm trọng ở đông bắc Ấn Độ cũng khiến ít nhất 110 người chết, hơn 5 triệu người bị ảnh hưởng, hơn 2.000 ngôi làng chìm trong biển nước. Ở thành phố Mumbai, mưa lũ biến đường phố thành sông. Tại bang Assam, 3 đợt lũ từ cuối tháng 5 đã khiến 79 người chết và khiến gần 3 triệu người phải sơ tán. Cơ quan khí tượng thủy văn địa phương cảnh báo, mực nước tại các con sông tại đây đã vượt mức nguy hiểm.

Người dân làm bè tự chế để sơ tán khỏi ngôi làng ngập trong nước lũ ở bang Assam, Ấn Độ.  ẢNH: REUTERS

Tại Bangladesh, khoảng 1/3 lãnh thổ ngập trong nước sau khi các đợt mưa lũ tồi tệ nhất vài thập niên qua. Ít nhất 1,5 triệu người sinh sống ở những vùng trũng đang phải sống trong cảnh ngập lụt kể từ cuối tháng 6. Nhiều người dân ở Jamalpur, Bangladesh bị mắc kẹt do lũ và luôn sống trong cảnh chờ tàu cứu trợ. Tại Indonesia, khu vực miền Bắc Luwu của tỉnh Nam Sulawesi cũng đang phải gồng mình đối phó đợt lũ lụt khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích. Nhiều người được báo cáo thiệt mạng và hàng chục người mất tích. Mưa lũ kéo dài từ tháng 6 ở Nepal cũng khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua cũng tàn phá nhiều khu vực ở Tây Nam Nhật Bản, khiến hơn 60 người thiệt mạng, khiến hàng triệu người phải sơ tán, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Các trận mưa lớn kéo theo lũ lụt, sạt lở đất phá hủy nhiều tuyến đường ở Nhật Bản, trong đó tỉnh Kumamoto là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

THANH VĂN