Trung Quốc, Iceland và Bắc Cực

Thứ sáu, 22/05/2015 13:31

(Cadn.com.vn) - Nỗ lực gia tăng hiện diện ở Bắc Cực của Trung Quốc trong những năm gần đây có thể được coi là thành công. Nhiều cuộc tranh luận về "mối đe dọa của Trung Quốc" ở Bắc Cực đã nổ ra. Tuy nhiên, hiện thái độ của các nhà quan sát trong Hội đồng Bắc Cực (AC) cho thấy một sự chấp nhận ngầm đối với sự mở rộng hiện diện của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đồng thời xây dựng mối quan hệ song phương với các thành viên của AC để giải quyết các vấn đề kinh tế trong khu vực. Và Iceland đóng vai trò ngày càng tăng trong chiến lược Bắc Cực của Trung Quốc.

Từ hợp tác kinh tế...

Bắc Kinh củng cố và phát triển quan hệ đối với Reykjavik trong bối cảnh Iceland ngày càng có sức ảnh hưởng trong chuyển dịch cơ chế của khu vực. Điều này được thể hiện qua những thành công gần đây của các nhà chức trách Iceland.

Năm 2007, Ngoại trưởng Đan Mạch Per Stig Moller đưa ra ý tưởng giải quyết các vấn đề thông qua 5 thành viên Bắc Cực, trong đó có Mỹ, Nga, Canada, Đan Mạch và Na Uy. Do không được mời tham gia, Iceland phàn nàn về cuộc họp và tuyên bố bất kỳ quyết định nào mà không có Reykjavik, Helsinki và Stockholm sẽ không có hiệu lực. Các cuộc biểu tình nổ ra. Sau đó, quá trình ra quyết định được giao lại cho AC.

Năm 2013, Iceland tổ chức hội nghị quốc tế về Bắc Cực, với sự tham gia của các nước Châu Á-Thái Bình Dương: Trung, Ấn, Hàn và Singapore. Sự thành công của hội nghị giúp Reykjavik thành lập trung tâm trao đổi ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và sinh thái Bắc Cực. Hơn nữa, Iceland nắm quyền trong khu vực bằng cách giành quyền tổ chức Hội nghị Bắc Cực từ nay đến năm 2017. Cuối cùng, Iceland cùng với Nga, Canada và Phần Lan lập kế hoạch và thành lập Hội đồng Kinh tế (AEC). Dù Trung Quốc không phải là thành viên của AEC, mối quan hệ đối tác với Reykjavik có thể tạo thuận lợi cho tham vọng của Bắc Kinh.

Bắc Kinh và Reykjavik trao đổi tiền tệ lên tới 406 triệu USD. Trung Quốc sau đó mở rộng nhân viên đại sứ quán lên 8 người. Quan hệ ngày càng chặt chẽ thể hiện bởi chuyến thăm của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng 4-2012. Reykjavik hiện là đối tác kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến thăm Iceland hồi tháng 4-2012. Ảnh: Diplomat

...Đến tham vọng Bắc Cực

Trong năm 2013, Iceland xuất khẩu khoảng 786.000 tấn thủy sản trị giá 1,9 tỷ EUR, chiếm 45% xuất khẩu hàng hóa. Trong số này, Trung Quốc chỉ chiếm chỉ 1%, hoặc 40 triệu EUR.  Hiện nay, khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở Iceland là mua hàng của Cty Na Uy Elkem, chuyên sản xuất các tế bào năng lượng mặt trời.

Hơn nữa, sự quan tâm của Bắc Kinh ở Bắc Cực liên quan đến 2 câu hỏi: Ai sẽ được tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản trong khu vực và băng tan sẽ tác động thế nào đến việc vận tải thông qua các tuyến đường phía Bắc từ Châu Á đến Châu Âu và ngược lại? Iceland có 2 giàn khoan dầu và khí đốt tiềm năng: Dreki và Gammur.

Dreki được điều hành bởi liên doanh CNOOC của Trung Quốc, Cty Năng lượng và dầu mỏ Eykon Iceland, trong đó Bắc Kinh có 60% thị phần. Nếu có sự gia tăng trong giao thông vận tải của các Cty Trung Quốc thông qua các tuyến đường biển phía Bắc trong tương lai gần, các kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh có thể trở thành hiện thực, và không ai có thể phủ nhận sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực.

An Bình

 (Theo Diplomat)