Trung Quốc lo ô nhiễm hóa chất độc hại

Thứ hai, 17/08/2015 07:06

(Cadn.com.vn) - Lực lượng cứu hộ Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để dọn dẹp hóa chất độc hại tại hiện trường loạt vụ nổ lớn ở thành phố cảng Thiên Tân.

Ngày 16-8, lực lượng cứu hộ phát hiện thêm nhiều thi thể bị chôn vùi sau loạt vụ nổ lớn tại cảng Thiên Tân, đẩy số người chết lên đến con số 112 trong khi 95 người vẫn mất tích và hơn 730 người bị thương.

Theo AP, trong bối cảnh lại xảy ra thêm nhiều vụ nổ nhỏ hôm 15-8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng kêu gọi các chính quyền địa phương cần học hỏi “những bài học được trả giá bằng máu” như thế này. Chiều 16-8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến Thiên Tân, trực tiếp chỉ đạo các nỗ lực cứu hộ. Hình ảnh cho thấy, ông Lý Khắc Cường mặc áo sơ mi trắng bình thường chứ không phải đồ bảo hộ và cũng không đeo khẩu trang.

Lực lượng cứu hỏa làm việc tại hiện trường loạt vụ nổ. Ảnh: AFP

Hàng trăm tấn hóa chất tại hiện trường

Loạt vụ nổ ở Thiên Tân làm dấy lên mối lo ô nhiễm hóa chất độc hại khi hôm 16-8, ông Shi Luze - Tham mưu trưởng Quân khu Bắc Kinh - cho biết, hàng trăm tấn chất gây độc xyanua được lưu trữ tại khu nhà kho bị cháy nổ.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 16-8, tướng Shi cho biết, số xyanua này được lưu trữ tại 2 địa điểm trong khu vực vụ nổ. Đây là tuyên bố xác nhận chính thức đầu tiên của giới chức Trung Quốc về sự hiện diện của hóa chất độc hại tại hiện trường vụ nổ. Để trấn an người dân, ông Shi cho biết, các lực lượng đang nỗ lực loại bỏ hóa chất này trước khi trời mưa, vì nếu gặp nước nó có thể tạo ra khí độc hại. Một đội quân gồm 217 chuyên gia hóa học và hạt nhân được triển khai đến hiện trường. Các quan chức kêu gọi đội chuyên gia của các nhà sản xuất hóa chất giúp xử lý vấn đề quan ngại này. Trong khi đó, giới chức Trung Quốc cũng liên tục tìm cách trấn an người dân, nhấn mạnh, bất chấp sự hiện diện của một số chất gây ô nhiễm ở mức trên tiêu chuẩn bình thường, nguồn nước và không khí ở Thiên Tân vẫn an toàn.

Nhóm Chiến dịch Môi trường Greenpeace hôm 16-8 tuyên bố đã kiểm tra nguồn cung cấp nước tại 4 địa điểm ở quanh hiện trường vụ nổ nhưng không phát hiện bị ô nhiễm xyanua nghiêm trọng. Dù vậy, nhóm này không “bác bỏ sự hiện diện của hóa chất độc hại khác trong nước” và nhắc lại lời kêu gọi chính  phủ Trung Quốc kiểm tra toàn diện nguồn nước và không khí đồng thời công bố công khai kết quả.

Hàng nghìn người phải di dời

Thảm họa lần này khiến hơn 6.300 người dân sống quanh hiện trường phải di dời và đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu hóa chất nguy hiểm có được lưu trữ tại nơi quá gần khu dân cư? Và liệu lực lượng cứu hỏa đã sai lầm trong các hoạt động cứu hỏa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng? Sau vụ nổ, đội cứu hỏa bị chỉ trích vì việc dùng nước để dập tắt ngọn lửa, động thái có thể kích thích các vụ nổ lớn tiếp theo do tính chất dễ bay hơi của các chất hóa học liên quan.

Cho đến nay, 85 lính cứu hỏa vẫn mất tích trong ít nhất 21 lính cứu hỏa đã thiệt mạng, biến vụ việc này thành thảm họa chết chóc nhất cho lực lượng cứu hỏa của Trung Quốc trong hơn 6 thập kỷ qua. Hôm 16-8, hàng chục người thân của những lính cứu hỏa bị mất tích xông vào khách sạn nơi chính quyền tổ chức họp báo, tức giận vì cho rằng, họ không được cung cấp đầy đủ thông tin. “Chúng tôi đi đến từng bệnh viện nhưng không tìm thấy người thân và cũng không nhận được bất kỳ thông tin gì về họ”, Wang Baoxia, người đang tìm kiếm anh trai bị mất tích cho biết. Đã xảy ra ẩu đả giữa những người thân và cảnh sát.

Trong khi đó, hàng trăm người dân sống quanh khu vực dân cư gần hiện trường xuống đường biểu tình bên ngoài khách sạn, giận dữ trước thông tin hàng trăm tấn hóa chất nguy hiểm được lưu trữ tại khu nhà kho.

Khả Anh