Trung Quốc sẽ “lên bàn” Hội nghị ASEAN – Nhật

Thứ sáu, 13/12/2013 11:52

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành chủ đề nổi cộm trên bàn Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Nhật diễn ra vào ngày 14-12 tới.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Nhật diễn ra tại thủ đô Tokyo được coi là cơ hội vàng để chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe kéo các quốc gia Đông Nam Á về phía mình trong bối cảnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng bị Trung Quốc chi phối.

Thủ tướng Abe chắc chắn sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ một trong số 10 thành viên ASEAN, hy vọng các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sẽ “thấu hiểu nỗi đau” với Nhật Bản. “Nếu các nhà lãnh đạo Nhật Bản và ASEAN không nói đến vấn đề này... thì sẽ khuyến khích các phe phái bành trướng ở Trung Quốc có những hành động tích cực hơn”, AFP dẫn lời Ichiro Fujisaki, giáo sư tại Đại học Sophia ở Tokyo và là cựu đại sứ Nhật tại Mỹ nhận định.

Thủ tướng Shinzo Abe (phải) hôm 12-12 đón tiếp người đồng cấp Malaysia đến Tokyo
dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Nhật. Ảnh: Reuters

Hội nghị Thượng đỉnh lần này được tổ chức nhằm đánh dấu kỷ niệm 40 năm mối quan hệ Nhật và ASEAN. Đặc biệt, hội nghị diễn ra trong bối cảnh Tokyo đang nỗ lực tái hiện diện mạnh mẽ tại khu vực sau nhiều năm phớt lờ. Nhưng quan trọng nhất, cuộc hội ngộ song phương là cơ hội để hai bên cùng có những cái nhìn đúng đắn và khẩn cấp với tuyên bố của Trung Quốc về Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Nhật Bản, nước có ADIZ chồng lấn với ADIZ mà Trung Quốc vừa công bố, đang tìm cách chia sẻ quan ngại với các thành viên của ASEAN về nguy cơ tiềm tàng rằng, Bắc Kinh có thể thiết lập một ADIZ tương tự trên biển Đông. Vì thế, họ chắc chắn sẽ đưa vấn đề an toàn bay trong không phận quốc tế vào chương trình nghị sự chính lần này.

Một số nhà quan sát cũng lo ngại, ADIZ trên biển Hoa Đông là tiền thân kế hoạch của Bắc Kinh cho một khu vực tương tự trên biển Đông, nơi họ tuyên bố gần như toàn bộ chủ quyền với “Đường lưỡi bò” vô lý. Ở biển Đông, chiến lược của Trung Quốc với ASEAN được tách ra riêng rẽ, theo kiểu “bẽ gãy từng chiếc đũa”. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh muốn ASEAN phô diễn một mặt trận thống nhất. “Hỗ trợ ASEAN – nơi các thành viên có hệ thống chính trị khác nhau - cũng rất quan trọng đối với Nhật Bản”, ông Fujisaki khẳng định.

Ngoài vấn đề Trung Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh cũng sẽ đưa ra tuyên bố chung “tầm nhìn” dài hạn về hợp tác Nhật-ASEAN trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Nguồn tin ngoại giao Nhật Bản-ASEAN cho biết, dự thảo tuyên bố cho thấy, hai bên sẽ bày tỏ mối quan ngại rằng việc lạm dụng quyền lực trong ngành hàng không dân dụng quốc tế có thể tạo ra “mối đe dọa” an ninh, ngầm ám chỉ ADIZ của Trung Quốc. Trong dự thảo tuyên bố trên, Tokyo còn kêu gọi đảm bảo quyền tự do bay trên vùng biển, cam kết sẽ tăng cường hợp tác tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, đẩy mạnh an ninh hàng hải và quyền tự do đi lại...

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối tháng 12, Thủ tướng Abe đã đến thăm tất cả 10 quốc gia ASEAN - Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Điều này cho thấy, ông Abe đặc biệt coi trọng mối quan hệ với ASEAN, kể cả kinh tế và chính trị. Mới đây, khi Philippines phải hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp của siêu bão Haiyan, Nhật Bản nhanh chóng tham gia cứu trợ, trong đó hỗ trợ 53 triệu USD và triển khai hơn 1.000 binh sĩ, được xem là cuộc triển khai quân ở nước ngoài lớn nhất của Tokyo sau Thế chiến II. Động thái này hoàn toàn trái ngược với phản ứng của Trung Quốc, trong đó công bố mức hỗ trợ ban đầu cho Philippines là 100.000 USD. Bắc Kinh đã nâng lên 1,6 triệu USD nhưng... sau khi hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ.

Haruka Matsumoto, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển kinh tế của Nhật Bản, cho biết, Tokyo mong đợi rất nhiều về thành công của hội nghị này. Vì vấn đề tự do hàng hải là rất nhạy cảm và quan trọng, các nước ASEAN dường như sẽ cùng đi chung con đường với Nhật Bản.

Khả Anh