Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố

Thứ hai, 30/11/2015 10:08

(Cadn.com.vn) - Sau các cuộc tấn công khủng bố tại Paris, Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Nhưng bằng cách nào?

Loạt tấn công Paris, vụ bắt cóc con tin ở khách sạn Radisson Blu của Mali, đều ảnh hưởng đến Trung Quốc. 1 công dân Trung Quốc bị bắn nhưng sống sót sau cuộc tấn công Paris; 3 người Trung Quốc thiệt mạng trong vụ tấn công khách sạn Mali. Và mới đây, con tin Trung Quốc Fan Jinghui đã bị IS giết hại dã man.

Sau các vụ việc, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều áp lực - cả trong nước và quốc tế - làm rõ những đóng góp cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Các quan chức và cả Chủ tịch Tập Cận Bình đều thể hiện rõ sự không khoan nhượng đối với chủ nghĩa khủng bố. Nhưng kế hoạch chống khủng bố của Bắc Kinh sẽ như thế nào?

Không tấn công quân sự

Một điều rõ ràng, “cuộc chiến chống khủng bố” kiểu Mỹ, với các hoạt động quân sự ở nước ngoài nhằm tấn công và phá hủy sào huyệt của bọn khủng bố, không phải là điều Bắc Kinh sẽ làm.

Với chính sách đối ngoại không can thiệp, Trung Quốc sẽ không điều  quân đến tiêu diệt các nhóm khủng bố như IS, trừ khi được yêu cầu. Nhưng ngay cả các quốc gia công khai yêu cầu sự trợ giúp của Trung Quốc, chẳng hạn như Iraq, Bắc Kinh cũng chỉ hứa sẽ giúp đỡ đào tạo nhân viên và một số hỗ trợ khác. Trung Quốc không quan tâm đến việc triển khai quân hay sử dụng tên lửa để chống lại các nhóm khủng bố. Xem xét kết quả chưa mấy khả quan của các cuộc tấn công quân sự chống IS cho đến nay, chúng ta có thể hiểu vì sao Bắc Kinh quyết định như vậy.

Câu hỏi đặt ra là, nếu Trung Quốc không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống khủng bố, làm thế nào họ có thể đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố như tuyên bố của giới lãnh đạo nước này?

Đề cao vai trò của LHQ

Khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi đưa ra câu trả lời mơ hồ, nhưng cũng chỉ ra một số gợi ý về hướng đi tiếp theo của Trung Quốc.

Đầu tiên, ông Hồng cho biết, “chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có liên quan phối hợp với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp theo khuôn khổ của LHQ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nói về sự cần thiết phải phối hợp ứng phó toàn cầu với chủ nghĩa khủng bố thông qua LHQ. Với ý tưởng LHQ là tổ chức lãnh đạo hoạt động chống khủng bố toàn cầu, Trung Quốc sẽ đạt nhiều lợi ích. Bắc Kinh muốn LHQ chấp thuận định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố - gồm những vấn đề riêng của Trung Quốc với nhóm ly khai Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, nếu LHQ được công nhận là điều phối viên của các hoạt động chống khủng bố thì sẽ hạn chế việc Mỹ can thiệp quân sự vào cuộc chiến này.

Tấn công quân sự không phải là chiến lược chống khủng bố của Trung Quốc. Ảnh: Diplomat

Giải quyết nguyên nhân gốc rễ

Các tuyên bố gần đây đều cho thấy, Trung Quốc muốn nhấn mạnh, cả những “nguyên nhân gốc rễ” và “triệu chứng” của chủ nghĩa khủng bố cần được giải quyết phối hợp. Bắc Kinh cho rằng, “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ tập trung quá nhiều vào các triệu chứng mà không giải quyết các điều kiện dẫn đến khủng bố.

Một bài viết gần đây trên Tân Hoa Xã - vốn vạch ra tầm nhìn của Trung Quốc về cách chống chủ nghĩa khủng bố ở Châu Phi - cũng không đề cập đến các hoạt động quân sự chống lại các nhóm như Boko Haram, Al-Shabaab, và Al-Mourabitoun. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ muốn tập trung vào việc hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng trong cuộc chiến chống những kẻ cực đoan, bằng cách cung cấp “viện trợ công nghệ và chia sẻ thông tin tình báo”.

Trung Quốc coi việc tiếp cận cộng đồng kinh tế Châu Phi và Trung Đông là những bước tiến trong cuộc chiến chống khủng bố - những cách giải quyết khủng bố tận gốc bằng cách loại bỏ đói nghèo và tạo việc làm cho những người có ý định gia nhập các nhóm cực đoan. Trung Quốc tin rằng, phát triển kinh tế có thể chữa được “mọi bệnh tật”, cho dù ở Tân Cương, Mali, hay Afghanistan.

An Bình
(Theo Diplomat)