Trung Quốc và nỗi lo suy thoái

Thứ hai, 02/03/2015 10:27

(Cadn.com.vn) - Sự tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc có thể để lại những hậu quả vượt xa nền kinh tế.

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế từng rất “phi thường” của Trung Quốc đang chậm lại. Năm 2014, GDP của Trung Quốc tăng trưởng với tỷ lệ 7,4%, thấp hơn mục tiêu 7,5%. Mặc dù dữ liệu hàng tháng gần đây cho thấy tình hình có vẻ khả quan hơn, song xu hướng tăng trưởng chậm lại dường như không thể lay chuyển.

Kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Ảnh: Diplomat

Chỉ ở mức 5,7%

Kinh tế Trung Quốc chậm lại, xảy ra vào thời điểm bất ổn kinh tế toàn cầu (đặc biệt là ở khu vực Châu Âu), có thể có những tác động kinh tế mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Trung Quốc không giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Do tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế đối với ổn định chính trị - cả đối với bản thân Trung Quốc và Đông Nam Á - thích ứng với nền kinh tế Trung Quốc chậm lại là thách thức quan trọng đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Dù tốc độ tăng trưởng GDP 7,4% là điều đáng mơ ước của hầu hết các nền kinh tế lớn, nhưng đây là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1991. Và tất nhiên, đối với các quan sát viên, số liệu kinh tế từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc là không hoàn toàn đáng tin cậy.

Capital Economics, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London, quan sát nền kinh tế Trung Quốc bằng cách nhìn vào 5 yếu tố: sản lượng điện, vận tải hàng hải, xây dựng, du lịch, và sản lượng hàng hóa. Theo đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm gần đây của nền kinh tế số 2 thế giới chỉ ở mức 5,7%. Sự phát triển chậm lại đặt ra một mức độ rủi ro chính trị đối với Trung Quốc.

Thời kỳ bình thường mới”

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra nhiều biện pháp dân túy nhằm thúc đẩy “Giấc mơ Trung Hoa”.

Quy định cấm các bữa tiệc xa hoa, lãng phí của ông Tập dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về giá rượu. Có lẽ quan trọng nhất là chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” nhằm vào hàng ngàn quan chức tham nhũng, quan liêu từ nhỏ đến lớn. Không thể phủ nhận sự ủng hộ rộng rãi của người dân đối với chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc, song nó cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bên cạnh việc làm mất đi thị trường rượu cao cấp, các chiến dịch chống tham nhũng cũng tác động không tốt đến một số ngành công nghiệp, từ du lịch đến sòng bạc, bất động sản...

Thị trường nhà đất từng bùng nổ của Trung Quốc hiện đang xì hơi, giá cả giảm xuống tại hầu hết các thành phố. Tháng 6-2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Kể từ đó, chính phủ trung ương sử dụng các công cụ kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất hồi tháng 11-2014, và gần đây hơn, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng khoản cho vay lên tới 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, dù có tất cả các công cụ chính sách, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc không thể đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế mạnh mãi mãi. Năm 2013, ông Tập từng chỉ trích sự thiển cận về tăng trưởng kinh tế, khi cho rằng “Chúng ta không nên đánh giá nền kinh tế đơn giản bởi sự tăng trưởng của tổng sản phẩm trong nước”. Gần đây, một bài viết trên NetEase dẫn lời giáo sư Kong Aiguo của Đại học tài chính Fudan cho biết, “Vì chúng ta đang bước vào “thời kỳ bình thường mới”, chúng ta không nên lo lắng về tốc độ GDP, mà nên tập trung vào các vấn đề sinh kế, phúc lợi công cộng, kinh doanh và minh bạch tài chính”.

Thích ứng của Trung Quốc đối với “thời kỳ bình thường mới” sẽ là thách thức quan trọng đối với các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc và thế giới.

An Bình
(Theo Diplomat)