Trung – Mỹ chạy đua giành ảnh hưởng ở Châu Phi

Thứ ba, 28/05/2019 11:59

Một con đường tại Cảng Doraleh của Djibout dẫn đến một loạt các tòa nhà 1 tầng không có gì nổi bật vào đầu năm nay là nơi diễn ra cuộc họp của 2 siêu cường thế giới Mỹ-Trung. Các quan chức Trung Quốc đã đến dự lễ khai mạc cuộc tập trận quân sự do Mỹ dẫn đầu mang tên Cutlass Express. Cutlass Express và một số cuộc tập trận hàng năm được tổ chức trên khắp lục địa Châu Phi, là một cách để Bộ Tư lệnh Mỹ tại Châu Phi (AFRICOM) giành và giữ các đồng minh khu vực.

Cảng container của Djibouti là chìa khóa cho các hoạt động của Mỹ tại căn cứ Lemonier.   Ảnh: CNN

Nhưng ở Djibouti - một quốc gia nhỏ bé chỉ có 884.000 người và là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở biển Đỏ - cũng như trên khắp Châu Phi, quân đội Trung Quốc đang cạnh tranh để giành lấy sự ủng hộ của các nước này trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trên lục địa này.

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng

Năm 2017, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã khai trương căn cứ đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti. Khu phức hợp bê-tông xám trải dài nằm ở vị trí đắc địa bên cạnh một trong những cảng chính của Djibouti - và chỉ cách Lemonnier, căn cứ thường trực duy nhất của quân đội Mỹ trên lục địa 15 phút lái xe. Lemonnier là một tài sản chiến lược của Mỹ ở nước ngoài, được sử dụng làm khu vực tổ chức các hoạt động tình báo và chống khủng bố của Mỹ trên lục địa Châu Phi và xa hơn nữa. Một quan chức của AFRICOM cho biết, sự hiện diện của PLA ở Châu Phi đang trở thành mối quan ngại chiến lược lâu dài đối với Mỹ.

Tuy nhiên, cả hai nước đang thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Vào đêm trước diễn ra cuộc tập trận Cutlass Express, các quan chức quân đội Trung Quốc mời Đô đốc Mỹ Heidi Berg và đội ngũ của bà lên tàu khu trục Trung Quốc đang cập tại cảng gần đó. Và, lần đầu tiên, bà Berg chào đón chỉ huy PLA Liang Yang đến lễ khai mạc tập trận. Khi bà Berg được yêu cầu bình luận về vấn đề này, bà nhanh chóng tập trung chú ý vào những gì Mỹ có thể làm cho các đồng minh của mình. "Chúng tôi đang ở đây và tập trung xây dựng cùng với các đối tác Châu Phi của chúng tôi", bà Bergcho biết. Các quan chức Trung Quốc tại buổi khai mạc Cutlass Express đã từ chối bình luận, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rõ tại hội nghị cấp cao ở Bắc Kinh vào tháng 9-2018 rằng, ông đang theo đuổi "quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện" với Châu Phi, trong đó có việc cung cấp gói viện trợ 60 tỷ USD, đầu tư và các khoản vay cho Châu Phi.

Trung Quốc đã mở rộng quan hệ quân sự ở Châu Phi trong nhiều năm, thông qua các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mở rộng, đào tạo nhân viên quân sự và diễn đàn Sáng kiến An ninh và Hòa bình Trung Quốc-Châu Phi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết vào năm 2017 rằng, căn cứ Djibouti là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm giúp mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực. Dĩ nhiên, Mỹ xem căn cứ này là một cái gai, vì nó nằm gần cảng chính của căn cứ Lemonnier của Mỹ và cảng container Djibouti là nguồn cung cấp chính để duy trì lực lượng khoảng 4.000 nhân viên Mỹ trên căn cứ.

Nỗi sợ bẫy nợ

Vì vậy, mất quyền tiếp cận cảng này là đòn giáng mạnh vào lợi ích và hoạt động của Mỹ. Điều này có thể xảy ra một khi Trung Quốc lợi dụng khoản nợ của Djibouti để kiểm soát các cảng của Djibouti. Bắc Kinh đang nắm giữ khoảng 80% số nợ của nước này. Điều này khiến Washington và Bắc Kinh đang ngày càng thiếu tin tưởng lẫn nhau. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng mối quan hệ quân sự kéo dài hàng thập kỷ với các nước Châu Phi bằng cách mở rộng các chương trình đào tạo và tăng doanh số vũ khí. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Bắc Kinh hiện đang là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho khu vực Châu Phi hạ Sahara, sau Nga và là nhà cung cấp lớn thứ ba cho khu vực Bắc Phi, sau Nga và Mỹ. Nhưng trọng tâm của mối quan ngại của Mỹ là các hoạt động cho vay của Trung Quốc trên lục địa. Từ năm 2000, các nước Châu Phi đã vay khoảng 130 tỷ USD từ Trung Quốc, và khoản vay đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2012, chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Sri Lanka là một ví dụ điển hình. Năm 2017, Sri Lanka đã để một cảng lớn rơi vào tay Trung Quốc sau khi không có khả năng trả khoản vay cho Bắc Kinh. Chính phủ Sri Lanka do Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đứng đầu đã nhận khoản nợ 1,5 tỷ USD của Trung Quốc để phát triển Cảng Hambantota. Để giảm bớt gánh nặng nợ nần, Sri Lanka đã phải đồng ý bàn giao cảng với hợp đồng thuê 99 năm.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng các khoản đầu tư của họ vào Châu Phi không có ràng buộc chính trị nào và đã nhiều lần phủ nhận đang tham gia vào cái được gọi là "ngoại giao bẫy nợ".

AN BÌNH