Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO: Serbia mắc kẹt ở ngã ba đường
NATO dậy sóng kể từ tháng 10 khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt câu hỏi về tính hiệu quả của liên minh quân sự duy nhất trên thế giới này là đình chỉ việc mở rộng các thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) cũng như kêu gọi một mối quan hệ chiến lược mới, liên kết với Nga. Rất nhiều quốc gia có lý do để chú ý đến “phong cách ngoại giao mới” này của ông Macron nhưng không nơi nào cảm nhận rõ hơn Serbia - quốc gia được cho là bị “mắc kẹt” giữa NATO và Nga.
Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới. Ảnh: AFP |
Bên ngoài NATO
Đối với Belgrade, việc EU hoặc NATO rút lui có thể tạo điều kiện để Nga lấp đầy khoảng trống, với mối quan hệ chính trị, quân sự và kinh tế chặt chẽ mà Moscow có được với các quốc gia vùng Balkan. Điều đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo NATO, sẽ bắt đầu hội nghị thượng đỉnh tại Anh vào tuần tới để thảo luận về tương lai liên minh quân sự của họ, vì các quốc gia vùng Balkan, giống như Baltic, có thể được coi là một vách ngăn chống lại ảnh hưởng của Moscow.
Thật ra, tiếng chuông báo động cho khu vực vang lên vào giữa tháng 10, khi Tổng thống Macron từ chối ký kết cho phép Albania và Bắc Macedonia, hai nước láng giềng của Serbia, bắt đầu đàm phán gia nhập EU. Ông Macron ngày càng cảnh giác với chính sách mở rộng của EU trong bối cảnh liên minh này vẫn đang nhùng nhằng quanh chuyện ra đi của Anh. Mặc dù Serbia đã bắt đầu đàm phán tư cách thành viên gia nhập EU, nhưng giờ đây, nước này có cảm giác “ớn lạnh” khi ông Macron từ chối mở cửa cho những quốc gia khác vào EU. Đồng thời, trong khi gần như tất cả các quốc gia xung quanh đã tham gia hoặc sắp gia nhập NATO, Serbia vẫn đứng ngoài cuộc với cam kết trung lập, ký ức về vụ ném bom của NATO trong lãnh thổ của họ (lúc đó là Liên bang Nam Tư) tại cuộc chiến Kosovo năm 1999 vẫn còn đó.
Serbia hiện đang trong quá trình gia nhập NATO, là đối tác và tham gia các cuộc tập trận của NATO, nhưng nước này lại có mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga. Moscow hỗ trợ và cung cấp vũ khí công nghệ và gần đây đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của họ ở Serbia để tham gia huấn luyện. Nga cũng thường xuyên cung cấp máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không và các loại vũ khí khác.
Nhiều khó khăn cho NATO
Thế khó của Serbia hiện rõ hơn bao giờ hết khi NATO chuẩn bị nhóm họp thượng đỉnh tại Anh vào tuần tới. Ngoài vấn đề xem xét gia nhập cho NATO, các quốc gia trong liên minh này còn đau đầu về bài toán chia sẻ chi phí quốc phòng trước áp lực của Tổng thống Donald Trump.
Trong diễn biến mới nhất ngày 28-11, Mỹ và các nước đồng minh trong NATO đạt thỏa thuận mới, theo đó Washington sẽ cắt giảm viện trợ cho liên minh quân sự này. Trong khi đó, các quốc gia đồng minh và Canada sẽ tăng khoản chi cho NATO. Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, số tiền mà Washington cắt giảm sẽ được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quân sự khác ở Châu Âu.
Theo các thỏa thuận trước đó, Mỹ phải đóng góp 22% trong tổng chi phí trực tiếp của NATO nhằm duy trì hoạt động của trụ sở khối, đầu tư an ninh chung và một số hoạt động quân sự phối hợp. Động thái trên của Mỹ hầu hết mang tính tượng trưng bởi ngân sách hiện tại của NATO là tương đối nhỏ, khoảng 2,5 tỷ USD. Số tiền đó tách biệt với khoản 2% GDP mà các thành viên NATO đồng ý chi cho ngân sách quốc phòng của các nước này trong năm 2014. Cho tới nay, chỉ có 8 trong số 29 thành viên đáp ứng được mục tiêu, tuy nhiên tất cả các quốc gia thành viên NATO đều đã cam kết đóng góp đúng theo quy định vào năm 2024.
Giới chức NATO hy vọng thỏa thuận mới này sẽ giúp giảm bớt một số cuộc tranh cãi căng thẳng xung quanh chủ đề tài chính của NATO. Trước đó, Tổng thống Trump chỉ trích các quốc gia đồng minh NATO về việc không đóng góp đủ cho liên minh trong khi Washington đóng góp vào ngân sách khối nhiều hơn so với các thành viên còn lại. Ông Trump cho rằng, thực tế này là không công bằng và cũng không thể chấp nhận được.
KHẢ ANH