Truyền "lửa" khởi nghiệp

Thứ hai, 14/11/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Sáng 12-11, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đã có buổi giao lưu, đối thoại với hơn 600 bạn trẻ là thanh niên, sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để chia sẻ về khởi nghiệp và lập nghiệp. Nhiều ý kiến, lời khuyên quý báu cùng với kinh nghiệm thực tiễn của những doanh nhân thành đạt đi trước đã trở thành động lực, thúc đẩy nhiều bạn trẻ tự tin tiếp bước trên con đường khởi nghiệp.

Những bài học thành công

Sau hơn 11 năm đi làm thuê cho người khác với nhiều vị trí khác nhau, năm 2006, anh Phan Hải sáng lập Cty giày BQ (Best quality) và điều hành doanh nghiệp này cho đến nay. Với nhiều bạn trẻ, câu chuyện thành công từ thương hiệu BQ của anh Phan Hải là một câu chuyện dài, đầy nỗ lực cũng như sự quyết tâm theo đuổi. Anh Hải kể, thành lập Cty lúc đó tôi đã có gia đình và 2 đứa con nên có nhiều chuyện phải suy nghĩ. Sau khi bàn bạc, hai vợ chồng quyết định bán ngôi nhà đang ở để lấy vốn thành lập cty. Nhờ có lòng đam mê, quyết tâm và cả kiến thức đã được tích lũy nên hiện nay, thương hiệu BQ đã có chỗ đứng trên thị trường.

Còn anh Lê Văn Hiểu đưa các bạn trẻ đến với câu chuyện từ ngày còn là cậu bé theo bạn bè rong ruổi trên đồng ruộng. Anh kể: Hồi đó khoảng năm lớp 8, ở quê tôi có mấy chiếc máy cày chạy trên đồng ruộng, tôi may mắn được bác lái máy cày cho đi theo vì cái tính hay phụ bác đổ dầu, đưa dụng cụ mỗi khi bác sửa chữa máy móc và niềm đam mê bắt nguồn từ đó. Sau đó vào trường ĐH Bách Khoa, theo đuổi ngành cơ khí học. Ngày ra trường cũng ước mơ phải làm được cái này, cái kia. Sau gần 10 năm lăn lộn làm việc, 7 anh em chúng tôi đứng ra thành lập Cty cổ phần máy và Thiết bị phụ tùng Seatech. Đến nay, Seatech đã có mặt trên khắp Việt Nam và mở rộng sang Lào, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 450 lao động.

Còn với doanh nhân Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư U&I thì quá trình khởi nghiệp và điều hành U&I là một con đường dài với nhiều khó khăn, cả thất bại nhưng rất thú vị và đầy vinh quang. Anh Tín kể, năm 19 tuổi, khi đang là sinh viên năm thứ 3, anh bắt đầu đi làm. Sau 10 năm lăn lộn với công việc, khi đã chuẩn bị đầy đủ cả về thái độ, kinh nghiệm lẫn ý tưởng, anh đứng ra sáng lập và điều hành Cty Cổ phần đầu tư U&I (Unigroup). Và cho đến nay, người đàn ông 47 tuổi này đang đầu tư và điều hành 52 doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp có tiếng tăm như: Trí Việt Media (kênh truyền hình HTV3), Cty Giấy Sài Gòn, bồn nước và kệ bếp Toàn Mỹ... Ngoài việc làm giàu cho bản thân, doanh nhân Mai Hữu Tín còn là đại biểu Quốc hội khóa XII, Khóa XIII; Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV (2011-2014).

Các doanh nhân chia sẻ về quá trình khởi nghiệp với thanh niên, sinh viên Đà Nẵng.

Khởi nghiệp bằng đam mê

Năm 2016 Chính phủ chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”, chưa bao giờ cụm từ “khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Hơn lúc nào hết, việc phát triển các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân giàu kiến thức, kỹ năng, có trách nhiệm xã hội, có văn hóa kinh doanh và năng lực cạnh tranh cao để tự tin hội nhập. Tuy nhiên, điều mà nhiều bạn trẻ gặp phải trong quá trình thể hiện ước mơ, khát vọng khởi nghiệp là thiếu kinh nghiệm thương trường, vốn, cách điều hành và quản lý doanh nghiệp... và điều này đã được các doanh nhân thành đạt chia sẻ, đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích. Đặc biệt là phải chuẩn bị về kiến thức, thái độ, kinh nghiệm lẫn ý tưởng để khởi nghiệp và trở thành doanh nhân.

“Nếu khởi nghiệp mà không có tiền thì phải biến ý tưởng thành tiền” đó là lời khuyên của doanh nhân Mai Hữu Tín dành cho các bạn trẻ, sinh viên tại buổi giao lưu. Anh Tín dẫn chứng bằng một câu chuyện khởi nghiệp không cần vốn. Đó là một bạn nữ ở Nha Trang (Khánh Hòa) trong khi đang làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản lại bỏ học để xin đi học nghề làm chả cá Nhật Bản. Sau hơn 3 năm cố gắng, bạn nữ này đã nghiên cứu thành công, sản xuất được chả cá có chất lượng tốt tượng tự của Nhật Bản nhưng lại giá rất Việt Nam (từ 200.000-300.000 đồng/kg, trong khi đó chả cá Nhật Bản có giá khoảng 2 triệu đồng). Sau khi nghiên cứu thành công, vì chưa có vốn đề đầu tư sản xuất, bạn này đã tìm đến anh, sau khi nghe kế hoạch và lòng đam mê của người thực hiện ý tưởng, anh Tín đã chấp nhận đầu tư và hiện sản phẩm này đã sản xuất thương mại để đưa đến tay người tiêu dùng Việt, đồng thời hiện đang xúc tiến để xây dựng nhà máy.

“Các bạn có thể có cả trăm ý tưởng, nhưng phải nghiên cứu và tìm ra 1 vài ý tưởng phù hợp với mình. Bằng lòng đam mê, dấn thân, nhiệt huyết để xây dựng, biến ý tưởng đó thành sản phẩm thì mới có thể thu hút nhà đầu tư đầu tư cho bạn” - doanh nhân Mai Hữu Tín nhấn mạnh.

Nguyễn Tuấn