Từ bỏ được ma túy nếu quyết tâm

Thứ hai, 16/04/2018 08:49

Tham gia chuyến đi thực tế tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng và trường Giáo dưỡng số 3 ngày 13-4, cùng 4 Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" của các phường Hòa An, Mỹ An, Bình Hiên và Nại Hiên Đông, do Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng tổ chức, chúng tôi  có nhiều bất ngờ và xót xa... Ông Lê Minh Hùng-Chi cục Trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng trăn trở: "Tôi cũng không ngờ, lại có nhiều em nhỏ, mới học lớp 5, lớp 6, đã bị lôi kéo, rủ rê sử dụng ma túy trái phép... Thật xót xa khi thấy tác hại của ma túy ghê gớm đến mức nào !". Trong chuyến đi này, các thanh thiếu niên của 4 Câu lạc bộ, đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi sử dụng ma túy trái phép, vi phạm pháp luật  được tận mắt chứng kiến, tai nghe trực tiếp về tác hại, hậu quả của việc sử dụng ma túy, thấy được những khó khăn, vất vả trong việc điều trị, cai nghiện ma túy, để từ đó ý thức được giá trị của cuộc sống...

Các hội viên Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" tham quan Trường Giáo dưỡng số 3.

Giao lưu cùng 57  thanh thiếu niên đã sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật là "đối tượng" 4 Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy", ông Lê Minh Hùng đã hỏi chuyện, từ đó phân loại từng nhóm trong số thanh thiếu niên này. Đa phần các em đang tuổi đi học, chỉ có 12 em đã có việc làm. Một thanh niên ở phường  Bình Hiên cho biết, em làm nghề điện lạnh mỗi ngày được 500 nghìn đồng, là mức thu nhập khá. Nhưng em cũng công nhận, nếu sử dụng ma túy, thì số tiền đó sẽ chẳng là bao nhiêu, chưa nói đến tác hại của ma túy với sức khỏe bản thân, rồi vi phạm pháp luật... Ông Lê Minh Hùng cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng mỗi năm xử lý hơn 1.500 trường hợp sử dụng ma túy trái phép, 57 thanh thiếu niên trong chuyến đi thực tế này nằm trong số đó. Được sự giúp đỡ, vận động của chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, các em đã tham gia vào các Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy". Chỉ có Đà Nẵng mới có mô hình này, đầu tiên trên cả nước. Sắp tới, các em sẽ có nhiều hoạt động tại các Câu lạc bộ, hoạt động đầu tiên là "Tập huấn kỹ năng sống". Các em sẽ được cách ly với gia đình một thời gian, để tập huấn các kỹ năng như, phòng tránh ma túy, chấm dứt sử dụng ma túy; sinh hoạt văn nghệ và các hoạt động bổ ích khác để dần đoạn tuyệt với ma túy...    

Thiếu tá Trịnh Đình Chiến-Phó Trưởng CAP Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn cho biết, phường hiện có 14 thanh thiếu niên sử dụng ma túy trái phép, vi phạm pháp luật  bị xử lý hành chính, đã tham gia Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy"  tại phường". Khi các em đã nhận rõ tác hại của ma túy, từ bỏ hẳn ma túy, các em sẽ là những thành viên tích cực tuyên truyền phòng chống ma túy, giúp lực lượng CA  và các ban ngành, phát hiện các đối tượng mua bán, sử dụng ma túy trái phép. Anh Đỗ Thanh Quang, một thành viên Câu lạc bộ phường Bình Hiên, từng nghiện ma túy, phải đi cai nghiện tập trung, nay đã từ bỏ hẳn, lập gia đình, là quản lý một nhà hàng làm ăn hiệu quả đã có những lời tâm sự chân thành tại buổi giao lưu. Anh Quang phân tích tác hại của ma túy, nêu những thủ đoạn rủ rê, lôi kéo của các đối tượng mua bán, sử dụng ma túy trái phép và có những lời khuyên bổ ích với nhiều thanh thiếu niên có mặt tại chuyến đi...

Ông Lê Minh Hùng cho biết,  với mong muốn  giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để các thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu có thể đoạn tuyệt được với ma túy, mô hình "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" được hình thành. Để quản lý và đưa các em vào sinh hoạt tập thể là việc làm vô cùng khó khăn, không chỉ bởi đối tượng khó tiếp cận mà hầu hết gia đình các em thường không có thái độ hợp tác. Bắt đầu từ việc triển khai thí điểm mô hình tại hai phường Thọ Quang,  Sơn Trà và phường Hòa Minh, Liên Chiểu từ năm 2016, đây là hai phường "nóng" về số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.  Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" tại hai phường lần lượt được thành lập, Chủ nhiệm Câu lạc bộ là Phó Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ nhiệm là CA phường cùng các thành viên là các ban ngành, đoàn thể. Qua 2 năm đi vào hoạt động, các Câu lạc bộ đã có những kết quả rất khích lệ. Từ chỗ chỉ có 35 hội viên khi mới thành lập, đến nay số hội viên đã tăng lên 50 hội viên mỗi Câu lạc bộ. Trong 100 hội viên tham gia 2 Câu lạc bộ, có 97 hội viên tham gia sinh hoạt đều đặn được xếp loại có tiến bộ, 15 em đã được hỗ trợ học nghề,  hàng chục em được hỗ trợ khó khăn đột xuất, 22 em đã có công ăn việc làm ổn định, chỉ có 3 trường hợp tái sử dụng ma túy.

Tham gia Câu lạc bộ, các em được kiểm danh, kiểm diện, thử test định kỳ hàng tháng để có những biện pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời. Ngoài ra, hội viên Câu lạc bộ còn được trang bị những kỹ năng sống nhằm khám phá năng lực và sở trường riêng. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ các phường phối hợp tổ chức các khóa tập huấn và tọa đàm với doanh nghiệp để tìm hiểu nguyện vọng giới thiệu và tạo việc làm cho hội viên. Từ hiệu quả của 2 Câu lạc bộ tại Thọ Quang và Hòa Minh, cuối năm 2017, mô hình tiếp tục được nhân rộng tại các phường Hòa An, Mỹ An, Bình Hiên và Nại Hiên Đông, hiện nay mô hình Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" đã có 250 hội viên. Đây là nơi mà cộng đồng xã hội cùng tham gia giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy trở về là chính mình và khẳng định sẽ từ bỏ được ma túy nếu quyết tâm.

Hồng Thanh