Tự do theo kiểu “Cách mạng Hoa hồng”
(Cadn.com.vn) - Còn hơn một tháng nữa, vào ngày 5-1-2008, tại Georgia sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn mà nguyên nhân là do áp lực mạnh mẽ bởi các cuộc biểu tình của lực lượng đối lập vào đầu tháng 11 này buộc Tổng thống đương quyền Mikhail Saakashvili phải nhượng bộ.
Nguyên nhân dẫn đến biến cố biểu tình, bạo động, bao vây tòa nhà Quốc hội, Chính phủ... này thì nhiều, nhưng rõ nét nhất để gây nên sự phẫn nộ của lực lượng đối lập và dân chúng chính là nền kinh tế Georgia tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng trầm trọng, đời sống người dân ngày càng nghèo khó... Những lời hứa hẹn của chính quyền kể từ năm 2003 về một đất nước dân chủ, tốt đẹp, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện chỉ là “lời nói gió bay”.
![]() |
Ông Mikhail Saakashvili bên cạnh những người ủng hộ đảng Phong trào Đoàn kết dân tộc (UNM). Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, những người cầm đầu “cuộc cách mạng hoa hồng” lại luôn tranh giành nhau về quyền lực, tham nhũng, độc tài. Khi tình trạng bất công vượt quá giới hạn sự chịu đựng của dân chúng đã thổi bùng lên ngọn lửa phẫn nộ bằng các cuộc biểu tình chống đối khắp đất nước.
Thế là kịch bản cũ mà những người tiền nhiệm vấp phải đã bị những người tham gia “cuộc cách mạng hoa hồng” cho là vi phạm dân chủ, nhân quyền, bị Mỹ và phương Tây gán cho cái tội “đàn áp những người chống đối” lại được Tổng thống Mikhail Saakashvili cho lặp lại bằng cách đàn áp những người biểu tình, ngăn cản các hoạt động của lực lượng đối lập, kể cả cấm các đài phát thanh, truyền hình hoạt động.
Hãng tin Reuters phát đi từ Tbilisi cho hay, ngày 25-11, khoảng 10.000 người đã tập trung tại thủ đô Tbilisi của Georgia đòi nhà lãnh đạo Mikhail Saakashvili cho phép đài truyền hình đối lập lớn nhất nước này phát sóng trở lại. Ông Mikhail Saakashvili, vừa từ chức tổng thống để ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5-1-2008, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong thời gian ông cầm quyền, sau khi đàn áp các cuộc biểu tình chống đối và đóng cửa đài truyền hình Imedi.
Nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa Tina Khidasheli tuyên bố: “Mikhail Saakashvili ra đi, Georgia tự do!... Nhưng cuộc đấu tranh chính của chúng ta là vào ngày 5-1-2008 khi mà chúng ta sẽ chấm dứt chế độ của Mikhail Saakashvili”. Trong khi đó, một trong các nhà lãnh đạo của đảng Bảo thủ là Zviad Dzidziguri nói: “Cuộc biểu tình này là một lời cảnh báo. Nếu chính phủ không cho Imedi phát sóng trở lại, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội”.
Những ngườu ủng hộ phe đối lập biểu tình trước tòa nhà Quốc hội ở Tbilisi. Ảnh: Reuters
Theo các nhà phân tích chính trị, Mikhail Saakashvili là sản phẩm đầu tiên của hàng loạt các cuộc cách mạng màu ở các nước thuộc Liên Xô cũ, nhưng nó chưa có đủ độ chín để đứng vững trước những thử thách. Non kém về chính trị nhưng ê-kíp của Mikhail Saakashvili lại quá tham quyền và độc đoán đã nhanh chóng làm tan biến đi mọi nỗ lực cổ súy của Mỹ và phương Tây giành cho họ; đồng thời, họ cũng áp đặt theo kiểu tự do cho mình còn người khác thì không.
“Giấc mơ hoa” đã không hiện hữu trên nền tảng có thực mà chỉ dựa vào sự trợ giúp bằng hàng loạt các lời hứa suông của Mỹ và phương Tây thì Mikhail Saakashvili khó mà tồn tại. Con bài hiện nay để cứu vãn sự thất bại của mình là Mikhail Saakashvili đổ mọi sự rắc rối vừa qua ở Georgia là do Nga đạo diễn và xúi giục. Nhưng Nga và các lực lượng đối lập ngay lập tức lên tiếng bác bỏ vì nó không đúng sự thật. Bởi thế, những gì đang diễn ra ở Georgia được dư luận hiểu đó cũng là kiểu mị dân của các cuộc cách mạng hoa diễn ra ở các nước thuộc Liên Xô cũ vậy?!
Lê Diệu Nguyên