Hé lộ dự thảo thỏa thuận hòa bình của Mỹ về chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
Trang Axios dẫn nguồn thạo tin cho biết, Mỹ đã gửi cho Ukraine một dự thảo thỏa thuận hòa bình với Nga. Tài liệu dài một trang này được cho là phác thảo sau cuộc gặp giữa Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng, và được chuyển cho đại diện của Ukraine tại cuộc họp ở Paris cuối tuần trước.
Theo đề xuất thỏa thuận, Mỹ được cho là đã chuẩn bị công nhận "trên danh nghĩa" bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, và thừa nhận không chính thức quyền kiểm soát "trên thực tế" của Moscow đối với 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia. Kế hoạch cũng bao gồm các điều khoản dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau năm 2014 đối với Nga và tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Ngoài ra, Mỹ sẽ chính thức phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine.
Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được "bảo đảm an ninh mạnh mẽ" từ Liên minh châu Âu (EU) cũng như các quốc gia có cùng quan điểm khác. Tuy nhiên, đề xuất này không nêu chi tiết về cách thức hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình có thể được triển khai đến Ukraine. Nga đã liên tục phản đối việc triển khai lực lượng NATO tới Ukraine dưới bất kỳ lý do nào. Theo Axios, một điều khoản khác của đề xuất này bao gồm việc chỉ định khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia (ZNPP) là lãnh thổ trung lập dưới sự quản lý của Mỹ. Washington được cho là mong đợi Kiev sẽ phản hồi đề xuất này trong cuộc họp đa quốc gia vào hôm nay 23-4 tại London.
Tài liệu được mô tả đây là "đề xuất cuối cùng" của Tổng thống Trump. Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẵn sàng "rời đi" nếu các bên không sớm đạt được thỏa thuận giải quyết xung đột Ukraine. Ông Trump vẫn hy vọng rằng Nga và Ukraine có thể đạt được thỏa thuận hòa bình trong tuần này.
Mặc dù vậy, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, giải quyết xung đột Ukraine là vấn đề phức tạp không thể diễn ra vội vã. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine cho biết Kiev coi đề xuất của Washington thiên vị Nga rất nhiều. "Đề xuất nêu rất rõ những lợi ích hữu hình mà Nga đạt được, nhưng chỉ nêu một cách mơ hồ và chung chung về những gì Ukraine sẽ đạt được", nguồn tin bình luận.
B.N