Từ một "Vết chân tròn"...
Tôi còn nhớ khi bài hát "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác khoảng năm 1981 đã đem lại cho nhiều người biết bao cảm xúc. Có thể nói đây là một trong những bài hát hay nhất, xúc động nhất về đề tài thương binh - liệt sĩ. Theo lời kể của nhạc sĩ Trần Tiến, năm 1981, trong một lần dạo quanh bờ biển Tiền Hải (H. Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), nhạc sĩ đã bắt gặp những dấu nạng in hằn trên bờ cát biển. Sau đó, ông đã dò hỏi những người dân xung quanh và biết được đó là dấu nạng của một anh thương binh bị thương tật mất một chân, hằng ngày vẫn đến trường dạy học cho các em nhỏ làng biển. Trào dâng xúc động trước hình ảnh những dấu tròn trên cát và lời kể về người thầy giáo thương binh, nhạc sĩ Trần Tiến đã sáng tác bài hát khi trên đường từ bãi biển về nhà trọ, đặt tựa đề là "Vết chân tròn trên cát"...
|
Nội dung bài hát "Vết chân tròn trên cát" là chuyện một người thương binh mất một chân vừa trở về từ chiến trường. Cùng đôi nạng gỗ, hằng ngày anh đến trường làng dạy học, dạy hát cho các em thơ về những bài hát quê hương... "Vết chân tròn trên cát" là một trong những ca khúc nổi tiếng được nhiều người yêu thích bởi bài hát "đẹp" cả về giai điệu và ca từ. Hòa quyện trong đó là chất chứa tấm lòng tri ân, ngưỡng mộ, tình cảm sâu sắc, nhớ ơn những anh hùng, những thương binh, liệt sĩ đã cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Và đặc biệt hơn, "hình mẫu" anh thương binh sau cuộc chiến trở về, vẫn tiếp tục truyền thụ cái chữ cho các em thơ nơi trường làng. Hơn hết, đó còn là truyền cảm hứng sống, yêu đời, lạc quan, thanh cao, giản dị... cho người đang sống hôm nay. Giá trị bài hát được nâng lên thành một triết lý sâu sắc, tốt đẹp.
Giai điệu bài hát như một câu chuyện kể, lời tự sự mộc mạc "dẫn" người nghe nhạc vào câu chuyện đời thường hôm nay của anh thương binh: "Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi/ Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương". Người thầy giáo trong âm nhạc của Trần Tiến hiện lên qua hình ảnh rất thân thương là "vết chân tròn" trên "cát trắng", anh thương binh trường làng "ôm đàn dạy các em thơ". Hình ảnh người thương binh cần mẫn, lặng lẽ trở về dạy chữ, dạy hát, dạy những giá trị nhân văn cao cả của con người, dạy cho các em về tình yêu quê hương đất nước... Vì lẽ đó, dấu chân của thầy thương binh trong bài hát "Vết chân tròn trên cát" là một dấu chân neo đậu trong từng lát cắt về chiến tranh, thân phận, sự hy sinh cao cả tuyệt vời mà nhạc sĩ Trần Tiến đã lấy đó làm "tứ" cho bài hát. Giai điệu bài hát cứ mãi ngân nga, đằm thắm ngọt ngào với điệp khúc "Bài hát có"... dựng tả cả không gian về quê hương, đất nước, về người mẹ, về sự hy sinh thầm lặng của những người thương binh-liệt sĩ. Cảm xúc bỗng chốc, vỡ òa, một thế hệ tiếp nối bay bổng, dễ thương là "các em thơ". Hình ảnh "dấu chân son" "vây quanh vết chân tròn"... đã làm lắng đọng lại những bài học, bài hát anh thương binh "truyền lửa" cho các em... Không những thế, bài hát còn "truyền lửa" cho biết bao người nghe và cảm nhận bài hát này.
Có lẽ, trong mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hằng năm, những lễ kỷ niệm trang trọng, những cuộc họp mặt đồng đội... thì bài hát "Vết chân tròn trên cát" luôn được nhắc đến. Sức sống bền lâu của ca khúc này trước hết là sự chân thành, độc đáo của cảm xúc cùng với hình ảnh đầy ngẫu hứng, sáng tạo của nhạc sĩ Trần Tiến. Suốt bài hát, hai thế hệ, hai dấu chân "tròn" và "son" đã hòa quyện nhau trong lời nhạc lắng đọng, ngọt ngào. "Vết chân tròn trên cát" -bài hát "có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn" và đã để lại "một bài ca trên cát trắng bao la". Đó là "bài hát không lời" mà sao "cứ hát mãi" trong tâm thức nhạc sĩ Trần Tiến đến day dứt người nghe, nhói đau mà rất đỗi tự hào về người lính đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước. Họ thật sự được tôn vinh, tỏa sáng. Và đó chính là "bài ca cuộc đời" bất tử...
Mãi mãi, những giai điệu ngợi ca "vết chân tròn" sẽ "truyền lửa" cho tất cả người nghe như thông điệp kết thúc lời nhạc"Cứ hát mãi trong tôi hát mãi trong tôi/ Ôi bài ca cuộc đời cháy mãi trong tôi, đốt mãi trong tôi"...
THẢO NGUYÊN