Từ ngày 1-7, Quảng Nam thực hiện chính sách quản lý khai thác khoáng sản mới: Có bị doanh nghiệp lợi dụng ?
Chính quyền tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, nạn khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn vẫn chưa chấm dứt là do có tình trạng bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ có chức năng trong bộ máy cơ quan Nhà nước và chủ doanh nghiệp được cấp phép. Đồng thời, việc đăng ký, đăng kiểm, quản lý người và phương tiện vận tải cát, sỏi trên sông còn nhiều hạn chế, bất cập... làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước, tác động xấu đến môi trường, gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tự và nhất là làm mất lòng tin của nhân dân. Do đó, từ ngày 1-7, UBND tỉnh Quảng Nam áp dụng nhiều biện pháp siết chặt công tác quản lý khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn, tiến tới ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.
![]() |
Quảng Nam sẽ quy hoạch lại mỗi huyện không quá 3 bến, bãi tập kết cát, sỏi. |
Tăng cường giám sát bằng "mắt thần"
UBND tỉnh Quảng Nam xác định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn là do công tác quản lý Nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi còn bất cập, chưa thể hiện quyết tâm cao của hệ thống chính trị. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, chính quyền cấp cơ sở còn buông lỏng, thiếu kiên quyết trong kiểm tra, xử lý và có biểu hiện dung túng, bao che hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc khai thác trái phép cát, sỏi cao nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, ngang nhiên vi phạm, trong đó nóng nhất là các địa bàn Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên.
Do đó, để khắc phục tình trạng trên, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn số 3219/UBND-KTN bắt buộc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chủ bến lắp đặt đầy đủ camera giám sát tại vị trí mỏ khai thác và tại bến bãi tập kết để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan phục vụ cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát. Bến thủy trong quy hoạch phải có giấy phép hoạt động, hợp đồng thuê đất, hồ sơ bảo vệ môi trường, chỉ được lắp đặt hệ thống bơm, hút cát, sỏi trên phao, bè và luôn neo đậu tại khu vực khai thác, phải có đường vận chuyển kết nối bãi tập kết vật liệu đến đường công cộng rộng tối thiểu 2 làn xe và cứng hóa mặt đường... Phải thông báo bằng văn bản về tên, chủng loại, số hiệu, biển kiểm soát, công suất máy (hoặc khối lượng vận chuyển), mục đích sử dụng (khai thác hay vận chuyển), chủ sở hữu thiết bị, phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản, vị trí bãi tập kết. Chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi từ 6 giờ - 18 giờ từ tháng 1 đến hết tháng 9 và từ 6 giờ - 17 giờ từ tháng 10 đến hết tháng 12 dương lịch... Nếu không đảm bảo các nội dung nêu trên hoặc trong quá trình hoạt động có vi phạm thì đình chỉ khai thác.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất lập các chốt kiểm tra, kiểm soát có camera giáp sát 24/24 giờ tại 5 vị trí: ngã ba Đại Hiệp (QL14B- ĐT609B), ngã ba Cẩm Lý (ĐT609- ĐT 605), ngã ba Tứ Câu (QL1A- ĐT603), ngã tư Điện Ngọc (ĐT603- ĐT607) và ngã ba Vòm (Thu Bồn- Vĩnh Điện), giao cho các địa phương quản lý… Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam xác định giảm còn không quá 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn và mỗi huyện không quá 3 bến, bãi tập kết cát, sỏi. Đối với chính quyền địa phương và ngành chức năng, UBND tỉnh yêu cầu phải kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác, vận chuyển, lập bến bãi mua bán cát, sỏi trái phép. Nếu để xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương…
Chính sách có bị lợi dụng để làm giá?
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam tại Công văn số 3219, mới đây, UBND H. Đại Lộc và TX Điện Bàn đã có cuộc họp phổ biến những quy định mới cho các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tại cuộc họp, tất cả các chủ doanh nghiệp đều thống nhất với biện pháp quản lý mới của tỉnh đưa ra, đồng thời mong muốn chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những bến, bãi hoạt động trái phép để tạo công bằng trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại cuộc họp của H. Đại Lộc, đại diện một doanh nghiệp đặt câu hỏi, liệu có yếu tố "găm hàng, đẩy giá" hay không khi các doanh nghiệp khai thác cát tại H. Đại Lộc lợi dụng chủ trương siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát từ ngày 1-7, để ngưng khai thác, cung cấp cát ra thị trường trong 1 tuần đầu của tháng 7-2018. Trả lời ý kiến nghi vấn của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc Hồ Ngọc Mẫn cho biết, chính quyền địa phương không có chủ trương tạm dừng hoạt động khai thác cát, mà do các doanh nghiệp tự nhận thấy chưa đảm bảo các yêu cầu bắt buộc theo tinh thần Công văn số 3219 nên tạm thời ngưng hoạt động. Cũng về vấn đề này, một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại địa bàn H. Đại Lộc thẳng thắn cho rằng việc các doanh nghiệp tạm dừng việc khai thác cát là để thực hiện đúng các quy định pháp luật mà UBND tỉnh ban hành. Còn về ý kiến cho rằng các doanh nghiệp lợi dụng chủ trương trên của tỉnh Quảng Nam để "găm hàng, tăng giá" là hoàn toàn không đúng, bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn giữ giá bán như cũ ngay tại bến, bãi tập kết của doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến yếu tố cạnh tranh trong hoạt động khai thác, mua bán cát trên địa bàn, các doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cũng như huyện cần quản lý chặt chẽ hóa đơn thuế đối với việc mua, bán cát, sỏi. Đặc biệt là phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua, bán, sử dụng bất hợp pháp, hợp thức hóa chúng từ đầu vào đối với cát, sỏi xây dựng. Theo ông Lê Văn Bích - Giám đốc Cty TNHH Hiệp Hưng, cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, ngăn chặn những doanh nghiệp dùng hóa đơn thương mại để thay thế cho hóa đơn đã đăng ký về hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn trước quy định lắp đặt camera giám sát tại điểm mỏ khai thác, cũng như hiệu quả giám sát từ việc này. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư thiết bị không khó nhưng các mỏ khai thác của các doanh nghiệp đa phần giữa lòng sông nên việc lắp đặt, bảo quản, hiệu quả giám sát sẽ không như mong muốn. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố bất lợi như đường truyền, nguồn điện, tác động của thời tiết đến chất lượng hình ảnh giám sát qua camera sẽ kém hiệu quả… Một vấn đề khác được hầu hết đại diện doanh nghiệp cho rằng đang bị "làm khó", đó là quy định: "đường vận chuyển tối thiểu 2 làn xe và cứng hóa mặt đường…". Bởi điều này liên quan đến vấn đề giải tỏa đền bù cho người dân… một việc ngoài tầm tay của các doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, việc tỉnh Quảng Nam quyết tâm thực hiện các giải pháp lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn là điều cần làm. Tuy nhiên, đối với một số biện pháp quy định trong Công văn số 3219 đối với các doanh nghiệp khai thác cát chưa phù hợp với thực tiễn, cũng như còn nhiều bất cập, có thể bị doanh nghiệp lợi dụng, đối phó trong kiểm tra, giám sát.
QUANG PHÚC