Từ trái dưa hấu chạy lũ trái mùa
(Cadn.com.vn) - Ra tết Ất Mùi, tình trạng khô hạn trên dải đất miền Trung bắt đầu ngấp nghé. Và khi nỗi lo nắng hạn bắt đầu dậy lên ở đồng bãi, nương rẫy, đi vào những thước phim, khuôn hình, trang báo thì trời lại đổ mưa. Những cơn mưa trái mùa nhưng nặng hạt, dai dẳng gây lụt lội ở nhiều nơi.
Đối với người nông dân, đời sống của họ gắn chặt với mùa màng, cây cối, thì trạng thái thời tiết thất thường luôn tác động mãnh liệt. Chưa ai thống kê trận mưa vừa rồi đem lại lợi ích ra sao nhưng thiệt hại đã quá rõ, kể cả về nhân mạng...
Dọc tuyến ĐT 609 ở đoạn cuối đường thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam), bà con mình căng lều bên vệ đường bán dưa hấu. Những trái dưa chạy lũ trái mùa còn vương mùi bùn nằm chỏng chơ. “Cái chợ tự phát” này đìu hiu nao lòng, thi thoảng mới có chiếc ô-tô dừng lại hỏi mua vài ba trái dưa đã rớt hơn nửa giá vẫn ế ẩm. Không chỉ ở Đại Lộc mà còn nhiều huyện khác ở Quảng Nam, cơn lũ trái mùa làm nhiều bãi dưa hấu bị ngập nước hư hỏng. Một nông dân tâm sự: "Năm ni dưa được mùa trái to, ngọt. Tụi tui chỉ mới hái bán được một tuần thì mưa lớn, dưa ngấm mưa hư hết. Đại lý không thu mua, chúng tôi chỉ còn cách đem ra vệ đường bán cho khách đi đường, được chừng nào hay chừng nớ"...
"Bức tranh dưa hấu sau lũ” không chỉ có vậy, nó được tiếp nối bằng gam màu khác khá bất ngờ và thấm đẫm tính nhân văn. Trong lúc bà con nông dân oằn mình gánh chịu hậu quả, cố nhặt nhạnh thành quả của tháng ngày lam lũ, thì các hội từ thiện cũng căng sức làm việc. Hội thiện nguyện Ong Vàng, Hội cháo từ thiện Quảng Nam kịp thời lấy danh sách hộ bị thiệt hại nặng để hỗ trợ tiền mua giống mới, hàng trăm bạn trẻ thành lập Hội bán dưa ủng hộ bà con. CLB Chung sức trẻ, CLB TNXK Trường ĐH Nội vụ Hà Nội cơ sở miền Trung (ở Điện Bàn) và nhiều nơi khác kết hợp với Đoàn Thanh niên địa phương tổ chức bán dưa hấu góp phần san sẻ nỗi khó khăn, tiếp thêm niềm hy vọng cho người trồng dưa hấu. Ngày 31-3, với kinh phí 10 triệu đồng, các thành viên CLB Thiện Nguyện Tâm Thiện (TPĐN) hợp đồng thuê xe vào Đại Lộc thu mua dưa hấu đem về Đà Nẵng tiêu thụ nhằm giúp bà con giảm bớt thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua. Chúng ta cảm thấy thật ấm lòng trước nghĩa cử cao đẹp của những tấm lòng thiện nguyện.
Dù vậy cũng không khỏi chạnh lòng khi ai đó chợt hỏi: trong lúc người nông dân hứng chịu tai ương từ... trời như vậy, trong lúc những người thiện nguyện hối hả trợ giúp nông dân bằng tấm lòng nhân ái như vậy, thì cán bộ ngành chức năng mà cụ thể là ngành công thương và NN-PTNT ở đâu nhỉ?
Thực ra, câu chuyện “đầu ra cho nông sản” không phải đợi đến bây giờ mới được đề cập. Lâu nay chúng ta đã quen thuộc với cái cảnh nông sản bị tư thương ép giá đến độ nông dân phải thu hoạch để...vứt đi, hay chuyện bán nông sản hầu như tự người nông dân phải tiếp thị, tự định giá tùy theo cơn ấm lạnh của thị trường... Điều này không chỉ đặt ra vấn đề trách nhiệm của ngành chức năng trong việc chia sẻ thiệt hại trong quá trình sản xuất của nông dân mà quan trọng là đòi hỏi về một chiến lược tiêu thụ nông sản bài bản và bền vững. Rõ ràng, chúng ta vẫn cảm thấy lo ngại khi sự quan tâm đến mọi mặt về đời sống nông dân là chưa tương xứng, thậm chí có nơi còn tỏ ra bàng quan, thờ ơ trước bức xúc mà nông dân đang đối mặt. Ai cũng biết việc giải quyết thấu đáo “đầu ra nông sản” là công việc không dễ dàng nhưng không thể vì khó khăn mà bỏ cuộc, phó mặc hay phản ứng chậm chạp.
Từ chuyện quả dưa hấu sau lũ trái mùa, thêm một lần nữa cho thấy những cách làm hay hoặc những quyết sách giải quyết bức xúc cho nông dân chỉ có thể được bật ra từ những trái tim, khối óc và từ sự đồng cảm sâu sắc với nỗi trăn trở của nông dân. Chúng ta đang nợ nông dân vấn đề này – một món nợ lớn!
Nguyễn Đức Nam