Tự tử vì trầm cảm - S.O.S!

Thứ sáu, 20/11/2015 11:13

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, nhiều vụ tự tử xảy ra ở một số địa phương như TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... mà theo nhận định của cơ quan chức năng là nạn nhân có dấu hiệu trầm cảm. Thực tế này cho thấy bệnh trầm cảm đang có dấu hiệu gia tăng và dẫn đến những hệ lụy xấu.

Những cái chết tiêu cực

5 giờ ngày 15-11, người dân đi làm đồng qua đoạn nghĩa trang của thôn Kim Đôi (Quảng Thành, Quảng Điền, TT-Huế) thì tá hỏa phát hiện nam thanh niên treo cổ tại một cây tràm gần khu lăng mộ. Nạn nhân được xác định là D.H.S. (26 tuổi, trú xã Hương Vinh, TX Hương Trà, TT-Huế). Qua khám nghiệm hiện trường và tử thi, CQĐT xác định, nạn nhân chết do dùng dây thắt cổ vào khuya 14-11. Bên cạnh hiện trường, chiếc xe Dream BKS 75-F7 8209 vẫn còn cắm chìa khóa là nạn nhân mượn của người thân để đi lại. Khi nghe tin báo, người cháu ngoại mấy chục năm qua gắn bó với mình thắt cổ tự vẫn, ông Dương Quang Q. (81 tuổi) đau đớn, vội đạp xe đến hiện trường.

Nạn nhân S. từ nhỏ không có bố nên ở với ông Q. Do cuộc sống khó khăn nên S. sớm phải nghỉ học và kiếm sống qua ngày bằng nghề làm bàn chà chùi nhà. Theo lời khai ban đầu của ông Q: "Cách đây khoảng 10 ngày, S. cứ ngồi một mình lẩm bẩm nhiều chuyện vu vơ. Đến bữa cơm nó không chịu ăn nên tui nói để ông thuê xe chở đi khám nhưng S. không chịu. Cách đây 2 - 3 hôm, tui cũng nói lại chuyện đưa đi khám và năn nỉ nhưng cháu không chịu. Ai ngờ sáng nay tui đang đi hái rau thì nhận được tin cháu tự tử"...

Theo nhận định ban đầu của cơ quan CA, qua thu thập lời khai từ người thân trong gia đình, khả năng cháu S. tự vẫn là do bị trầm cảm.

Người dân bàng hoàng trước cái chết của anh S.

Cũng trong năm 2015, người dân xã Thủy Phù (TX Hương Thủy) và nhiều giáo viên, học sinh rất bàng hoàng khi biết tin thầy giáo N.V.H. (25 tuổi, công tác tại Trường Tiểu học số 2 Thủy Phù) chết trong tư thế treo cổ, thi thể đã phân hủy nặng. Bà Phan Thị Đ. (65 tuổi, mẹ anh H.) vẫn chưa kịp vui khi con có công ăn việc làm ổn định thì đã phải đau đớn khi con tìm đến cái chết tiêu cực. H. là con út, các anh chị đã lập gia đình ra ở riêng, chỉ còn mẹ con H. sớm tối đùm bọc nhau. Theo người thân, anh H. rất ít bạn bè, ngoài thời gian đi dạy ở trường thì chỉ ở nhà. Thỉnh thoảng H. lại ra lùm cây ở gần nghĩa địa ngồi chơi một mình đến nửa đêm mới về. Một đồng nghiệp của anh H. cho biết: "Thầy H. rất nhút nhát, đôi khi tự ti về hoàn cảnh nghèo khó của gia đình nên hay tránh những cuộc gặp với đồng nghiệp. Có lần H. cho biết không muốn sống nữa. H. có biểu hiện mắc bệnh trầm cảm nên nhiều lần các đồng nghiệp khuyên đi khám nhưng H. không đồng ý".

Mới đây, sáng 19-10, người dân hoảng hốt khi đến tiệm tạp hóa gọi cửa để mua hàng thì phát hiện chủ quán là bà P.T.T.N. (57 tuổi, trú đường Phan Đăng Lưu, TP Huế) chết trong tư thế treo cổ. Theo chính quyền địa phương, bà N. có triệu chứng của bệnh thần kinh tọa, mất ngủ dài ngày và vừa đi khám bác sĩ 2 ngày trước khi xảy ra sự việc. Với sự lo âu, mệt mỏi và tinh thần bi quan, bà N. đã tự kết liễu đời mình...

Cây tràm - nơi anh D.H.S. treo cổ.

Nên đi khám ngay khi phát hiện triệu chứng

Tháng 9 vừa qua, tại Đà Nẵng có liên tiếp 2 vụ nhảy cầu tự tử do gặp rắc rối trong cuộc sống. Đó là chị B.T.C (28 tuổi, trú H. Thăng Bình, Quảng Nam) leo qua thành cầu, nhảy xuống sông Hàn tự tử. Rất may người đi đường phát hiện, chạy đến cứu kịp, can ngăn quyết liệt thì chị mới bỏ ý định tự vẫn. Chị C. thổ lộ vừa cãi nhau với chồng nên uất ức, tìm đến cái chết. Cùng ngày hôm đó, người dân trong khu vực này cũng đã phát hiện thi thể anh N.Đ.P (36 tuổi, trú P. Thuận Phước, Q. Hải Châu). Trước đó, anh P. đã nhảy xuống cầu Thuận Phước tự vẫn, để lại cho gia đình lá thư tuyệt mệnh, trong đó nói rõ là do bị chủ nợ kéo đến nhà đòi tiền nợ cá độ bóng đá nên không còn cách nào là phải tìm đến cái chết.

Trước đây, chị L.T.H (30 tuổi, trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) là người khỏe mạnh, nhưng sau khi sinh con đầu lòng thì chị gặp vấn đề về tâm lý. Do chồng phải đi công tác xa thường xuyên, cha mẹ hai bên đều đau yếu nên mọi việc sau khi sinh chị đều phải tự làm. Áp lực công việc, thêm những mệt mỏi thay đổi của cơ thể nên chị H. sinh ra cáu bẳn, thậm chí chẳng thích ôm ẵm con. Mấy lần về thăm vợ con, chồng chị hốt hoảng khi thấy vợ ruồng rẫy con, thậm chí có lúc còn đánh bé. Cuối cùng anh đành đưa vợ đến bác sĩ tâm lý thì  bác sĩ xác định chị bị chứng trầm cảm sau sinh. Anh phải xin nghỉ việc một thời gian để giúp vợ công việc nhà và ổn định tâm lý.

Nói về tình trạng các nạn nhân bị trầm cảm, tìm đến cái chết, một bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho rằng: Tất cả chúng ta đều đôi khi thấy buồn hay u ám trong phút chốc và đây là điều rất bình thường trong cuộc sống. Với hầu hết mọi người, cảm giác buồn bã và chán nản giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu những cảm giác kéo dài và bắt đầu cản trở đời sống hàng ngày, người bệnh thấy buồn chán, bi quan, dễ mệt mỏi, không quan tâm đến bất cứ điều gì, đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Người trầm cảm có thể thấy tuyệt vọng, vô dụng và tự đổ lỗi cho mình về những cảm giác này.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ mình hoặc người thân của mình bị trầm cảm, bạn nên đến khám tại bác sĩ có chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần. Nếu người bệnh trầm cảm không đi khám bệnh, cảm giác vô dụng và tuyệt vọng, cùng với cảm giác bị cô lập, có thể làm bệnh nặng thêm... Bệnh trầm cảm đang gia tăng hiện nay và dẫn đến những hệ lụy xấu, nhưng nếu được phát hiện sớm thì vẫn có thể chữa khỏi.

Bác sĩ Lâm Tứ Trung - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho rằng, điều đáng nói là rất nhiều người đang mắc bệnh nhưng lại không thừa nhận mình có bệnh. Bởi vậy, để đến khi bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng xấu đến công việc và cuộc sống thì việc điều trị cũng sẽ khó khăn hơn nhiều. Theo bác sĩ Trung, bệnh trầm cảm có rất nhiều nguyên nhân. Đó có thể là do những căng thẳng trong cuộc sống như mâu thuẫn trong gia đình, thất bại trong công việc hoặc do bệnh tật. Trầm cảm kéo dài dễ dẫn đến hành vi tự sát.

Các biểu hiện của bệnh trầm cảm là: buồn bã, mất ngủ kéo dài, mất hứng thú với những hoạt động yêu thích, với công việc, chán ăn... Theo WHO, có khoảng 10-15% dân số bị bệnh trầm cảm. Tại Việt Nam, tỷ lệ trầm cảm trong cộng đồng là 24,3% ở độ tuổi 25-55 và tăng lên 47% ở người trên 55 tuổi. Phụ nữ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới. Nghiên cứu của WHO cho thấy ước tính đến năm 2020, trầm cảm sẽ đứng thứ hai chỉ sau bệnh tim mạch trong việc dẫn đến giảm hoạt năng trên toàn thế giới. "Trầm cảm là một trong những bệnh phổ biến nhất và có thể điều trị được trong lĩnh vực chuyên khoa tâm thần và tâm lý. Có 80-90% người mắc trầm cảm có thể được điều trị hiệu quả và chữa khỏi nếu phát hiện sớm" - bác sĩ Trung cho biết.

Hải Lan - Mộc Miên