Từng bước hiện đại hóa nghề cá
(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, nhiều cơ quan chức năng của Đà Nẵng đã cố gắng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại cho các tàu đánh cá, giúp ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi, đánh bắt cá và góp phần giữ gìn chủ quyền, an ninh vùng biển Hoàng Sa.
Trên biển, mặt trời là nguồn năng lượng vô tận, pin mặt trời đã được ứng dụng nhiều trong việc thu, phát điện phục vụ chiếu sáng và máy móc tiêu tốn ít năng lượng trên các tàu thủy hiện đại ở các nước tiên tiến và phát triển. Ở Đà Nẵng, pin mặt trời hiện mới chỉ lắp đặt thử nghiệm trên tàu cá mang số hiệu DNA 90026 của ông Lê Văn Xin và tàu cá DNA 90169 của ông Lê Văn Minh. Sau gần 2 năm sử dụng, 2 chủ tàu cho biết, với 16 tấm pin, 2 bình ắc-quy và một hệ điều khiển, nguồn điện trên tàu hoàn toàn có thể sử dụng được mà không còn phụ thuộc vào máy phát điện thường bị hư hỏng, rỉ rét cho muối biển.
Nhiều tàu thuyền ngư dân rất cần trang bị công nghệ hiện đại để vươn khơi (trong ảnh: Tàu thuyền đánh cá neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). |
Ông Lê Văn Xin, chủ tàu cá DNA 90026 cho hay: "Được hỗ trợ hệ thống pin năng lượng mặt trời, tàu đã sử dụng nguồn năng lượng này khá thoải mái và đáp ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng của các máy như: ra-đa, bộ đàm ICOM, máy định vị, radio... Nhờ vậy, tàu thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Đặc biệt, nếu tàu có bị chết máy trên biển từ 5-7 ngày thì nhờ pin năng lượng mặt trời, hệ thống liên lạc, radio vẫn hoạt động".
Các ngư dân cho biết, thông thường ngư dân sử dụng các máy phát điện chạy bằng dầu diezen trên tàu cá, nhưng các máy phát điện rất dễ hư khi hoạt động trên biển. Vì vậy, thông tin liên lạc sẽ bị gián đoạn và việc khởi động máy phát điện cũng tốn thời gian. Nhờ hệ thống pin năng lượng mặt trời, trong mọi điều kiện, hệ thống thông tin liên lạc được hoạt động liên tục. Ngoài ra, sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời, mỗi chuyến đi biển, ngư dân có thể tiết kiệm được hàng triệu đồng tiền dầu mà vẫn sử dụng được thoải mái hệ thống thông tin liên lạc kết nối với đất liền, thậm chí sử dụng chung cho cả tổ đội đánh bắt.
Ngư dân lắp đặt máy dò ngang để vươn khơi, đánh bắt hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Theo Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, trong những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước và địa phương đã khuyến khích ngư dân đầu tư nâng cấp tàu thuyền khai thác vùng khơi. Tính đến nay, trên toàn thành phố có 1.332 chiếc tàu trong đó tàu có công suất từ 90CV trở lên có 242 chiếc, tàu từ 400 CV trở lên có 92 chiếc. Bên cạnh năng lực tàu thuyền, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để lắp đặt trên tàu cá như: vật liệu hầm bảo quản, máy dò cá, ra-đa hàng hải... cũng được quan tâm để hướng đến nghề cá hiện đại và bền vững. Màn hình radar hiển thị tất cả các mục tiêu hiện thời xung quanh sẽ giảm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ va chạm, bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi hoạt động trên biển.
Máy dò ngang ngư dân có thể phát hiện đàn cá từ xa, thông qua hiển thị trên màn hình thuyền trưởng có thể ước lượng về mật độ, trữ lượng của đàn cá. Hầm bảo quản sản phẩm trên biển bằng vật liệu PU đáp ứng các yêu cầu không trầy cá, độ lạnh được trải đều, chất lượng cá bảo quản được đảm bảo lâu dài. Nhờ sản phẩm được bảo quản tốt nên chuyến đi biển có thể kéo dài hơn và giúp tăng sản lượng đánh bắt và đặc biệt giá của sản phẩm tăng lên từ 1.000-2.000 đồng/kg nên đã tăng thu nhập đáng kể cho ngư dân. Nhiều chủ tàu đã có kế hoạch thực hiện cải hoán hầm bảo quản.
Đà Nẵng hiện có 193 tàu cá được trang bị máy thông tin liên lạc có định vị vệ tinh, 3 tàu trang bị máy dò ngang, 10 tàu đã thực hiện cải hoán hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU... đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy vậy, để phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác thủy sản, ngư dân của Đà Nẵng cũng đang rất cần được sự quan tâm hơn nữa của các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn và đặc biệt là các chính sách hỗ trợ nguồn vốn để ngư dân tiếp cận vốn được nhiều hơn để lắp đặt và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, tính mạng ngư dân, nâng cao năng lực, năng suất, chất lượng, hiệu quả đánh bắt thủy sản, tăng thu nhập cho bà con ngư dân và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Hạnh Nhân