Tuổi xanh Thành cổ

Thứ tư, 05/02/2020 22:45

Tôi không thể nhớ được hết số lần về thăm Thành cổ Quảng Trị. Nhưng cái cảm xúc mỗi lần đến thì mãi không thể nào quên, tựa hồ đặt chân đến chốn linh thiêng vừa kỳ bí vừa bạo liệt đến lạ thường.

 

* Cổ Thành Quảng Trị nay là một di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam được xếp hạng đợt 4, tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị cách QL 1A khoảng 2 km, thuộc P. 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, chu vi tường thành hơn 2.000m, với diện tích 25ha, chiều cao của tòa Thành cổ là 4m, dưới chân dày hơn 12m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài. Đến năm 1929, thực dân Pháp xây dựng thêm ở Thành cổ hệ thống nhà lao làm nơi giam cầm những người có quan điểm chính trị đối lập. Nhưng đến Chiến dịch Xuân hè năm 1972, với trận chiến khốc liệt kéo dài suốt 81 ngày đêm giữa lực lượng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam với liên minh Quân đội Mỹ - Quân lực Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực từ pháo hạng nặng, pháo hạm và B-52 ném bom của quân đội Mỹ đã san phẳng gần như toàn bộ tòa Cổ Thành năm ấy, chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông có thể xem là tương đối còn nguyên hình, vài đoạn tường thành và giao thông hào bên ngoài chi chít những vết bom đạn.

 

Năm 16 tuổi, lần đầu tiên tôi được đến thăm Thành cổ cùng với bố tôi, ông đưa tôi đi trong chuyến trở về thăm lại chiến trường xưa. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được những gam màu xám xịt đen tối của chiến tranh, sự khốc liệt của những trận mưa bom bão đạn, cảm nhận được sự sống và cái chết chỉ ở trong gang tấc, khi dâng hương tại đài tưởng niệm, khi tiếng nhạc “Hồn Tử Sĩ” vang lên để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tôi đã vỡ òa, sự đau thương, mất mát quá lớn do chiến tranh để lại để đánh đổi được sự hòa bình của ngày hôm nay.

Lần trở về lịch sử, mảnh đất Quảng Trị và di tích nhỏ bé này, mùa hè đỏ lửa 1972, phải hứng chịu hơn 328 nghìn tấn bom đạn - tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống đất Nhật năm 1945. Người dân địa phương coi Thành cổ là “đất tâm linh”. Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9-9-1972 đã từng viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử”.

Khi hòa bình lập lại, Thành cổ Quảng Trị đã được hồi sinh trên một màu xanh của cây cỏ tốt tươi. Một đài tưởng niệm lớn đã được xây dựng ở chính giữa Thành cổ, được đắp nổi như một nấm mồ chung tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại trong lòng đất mẹ Quảng Trị, là nơi siêu thoát cho những linh hồn đã mất về cõi vĩnh hằng. Người dân ở đất Thành cổ miêu tả rằng Thành cổ được xây dựng theo triết lý âm dương, được đắp nổi bằng đất nung, dưới chân đài tưởng niệm được đắp theo hình bát quái, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, nơi dâng hương là biểu trưng của lưỡng nghi còn mái đình là thái cực. Trên tượng đài còn xây dựng một cây đèn màu đỏ cao 8,1m tượng trưng cho 81 ngày đêm lịch sử.

Phần nền gạch đỏ trên tượng đài tượng trưng cho phần dương, màu đỏ là màu của sự sống, sự sinh nôi nảy nở. Trên phần dương ấy có một lỗ tròn tượng trưng cho phần âm trong dương, thông vào lòng nấm mồ, lòng nấm mồ chung rỗng có 2 trục đường chính giao nhau về tứ phương, đây là nơi hội tụ linh hồn của các chiến sĩ tứ phương về nấm mồ chung này. Ở chính giữa là nơi đặt hành trang của người lính: Một chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước, một khẩu súng AK và một chiếc ba lô - những di vật ấy tuy giản dị, thân thương mà giúp cho các anh làm nên lịch sử. Ở giữa hai phần âm và dương có đặt một lư hương để cho mọi người khi về với “Tòa Thành đau thương nhưng anh hùng” ấy - thắp những nén nhang tri ân.

Phía bên ngoài tầng lưỡng nghi còn có 81 bức phù điêu là 81 tờ lịch ghi lại từng ngày một của cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị từ 28-6-1972 - 16-9-1972 theo chiều ngược kim đồng hồ.

Một góc Thành cổ Quảng Trị.

Để cho những đoàn tham quan, những con dân nước Nam trở về với Thành cổ hiểu thêm về lịch sử Cổ Thành Quảng Trị, tái hiện một cách chân thực cuộc chiến 81 ngày đêm năm ấy thì Khu Bảo tàng Thành cổ sẽ là điểm đến tiếp theo khi về với khu Tòa Thành này.

Kể từ lần đầu tiên tôi được về thăm Thành cổ, mỗi mùa hè của những năm sau đó tôi đều trở về thăm lại “Tòa Thành đau thương nhưng anh hùng” ấy, thắp nén hương tri ân như một lời cảm ơn chân thành nhất đến những người anh hùng đã nằm lại nơi này, để đất nước sum họp một nhà, để chúng ta có thể sống trong hòa bình của ngày hôm nay. Để ngắm nhìn những bức ảnh chụp nụ cười của các chiến sĩ tại Bảo tàng Thành cổ, những nụ cười ấy luôn rạng ngời, mang sự lạc quan vào một ngày mai tươi sáng, ý chí của họ mạnh mẽ, sắt đá và lòng quả cảm không bao giờ bị khuất phục - nhắc nhở lớp trẻ chúng ta không ngừng cố gắng để dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, giàu đẹp. Và còn để thả những bông hoa đăng lung linh ánh nến trên dòng sông Thạch Hãn lịch sử ấy, thả mình ngắm nhìn dòng sông ấy, ngắm nhìn mảnh đất Quảng Trị anh hùng, ngắm nhìn sự hồi sinh kỳ diệu của đất trời, của những con người nơi đây, ngắm màu xanh tốt của cây cỏ, “ngắm” sức sống mãnh liệt Thành cổ.

Ngoài ý niệm tri ân, với riêng tôi, di tích Thành cổ Quảng Trị, ví như ngôi đền thiêng tôn vinh tuổi trẻ. Chính nơi đây lưu giữ những giá trị đẹp nhất của tuổi thanh xuân của thế hệ anh hùng.

NHẬT LINH