Tương lai gập ghềnh với Hải quân Indonesia
(Cadn.com.vn) - Đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo đưa ra chiến lược cường quốc biển có tên "Điểm tựa an ninh biển toàn cầu (GMF)".
Kể từ đó, Jakarta tiến hành một số sáng kiến nhằm hoàn thành 5 mục tiêu của chiến lược, trong đó, vấn đề quốc phòng là trụ cột cơ bản. Khi lên nắm quyền, ông Widodo có được những nền tảng nhất định trong việc hiện đại hóa Hải quân từ người tiền nhiệm và thách thức ở đây là tiếp tục duy trì và phát triển những cơ sở đó. Liệu Hải quân Indonesia (TNI-AL) có thể đáp ứng Lực lượng hữu hiệu tối thiểu (MEF) vào năm 2024?
Hiện đại hóa TNI-AL được thực hiện trong thời gian 2010-2024, với 3 kế hoạch chiến lược. Giai đoạn I (2010-2014) đã được hoàn thành. Giai đoạn II sẽ được thực hiện đến năm 2019. Giai đoạn cuối cùng được hoàn thành trước năm 2024. Theo kế hoạch, vào năm 2024, TNI-AL sẽ có 274 tàu và 137 máy bay các loại.
Vào tháng 7-2015, tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tướng Moeldoko thừa nhận, dự kiến 40-42% mục tiêu MEF không thể được đáp ứng. Thay vào đó, giai đoạn 1 chỉ có 34% mục tiêu đạt được. Người kế nhiệm ông Moeldoko, tướng Gatot Nurmantyo dự kiến sẽ đẩy con số này lên 68%. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là phải đẩy mạnh chi tiêu.
Hải quân Indonesia phải vượt qua nhiều thách thức để có thể đáp ứng mục tiêu năm 2024. Ảnh: Diplomat |
Mua mới hay mua cũ?
Indonesia có nguồn tài chính hạn chế, do đó, nước này muốn mua lại các trang thiết bị cũ.
Bên cạnh đó, việc trang bị, xây dựng cơ sở hạ tầng, hậu cần, và đào tạo nhân lực cũng quan trọng. Vì vậy, điều này giới hạn số lượng trang thiết bị có thể mua. Ví dụ, TNI-AL ban đầu dự kiến mua tổng số 40 tàu SIGMA vào năm 2015. Nhưng đến năm 2014, con số này chỉ dừng lại ở 4 chiếc.
Ngoài ra, việc mua trang thiết bị cũ thường không bền vững trong dài hạn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Hơn nữa, mua cũ đòi hỏi nhiều "chi phí ẩn". Ví dụ, Jakarta mua 39 tàu chiến cũ của Đức với giá 468 triệu USD, nhưng phải chi thêm 800 triệu USD để nâng cấp và hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Do đó, Jakarta luôn tránh mua các trang thiết bị cũ.
Tuy nhiên, nếu mua sắm các trang thiết bị mới, Indonesia có thể sẽ không hoàn thành các mục tiêu MEF năm 2024. Tàu khu trục và tàu ngầm rõ ràng quá đắt để mua với số lượng đáng kể. Mua sắm thiết bị mới thông qua các nguồn nước ngoài hoặc trong nước đòi hỏi phải trải qua nhiều quá trình liên quan đến các cuộc đàm phán, ký kết hợp đồng, và một loạt các thử nghiệm bắt buộc trước khi đi đến khả năng hoạt động chính thức. Quá trình này mất một khoảng thời gian đáng kể - ít nhất là 5-8 năm kể từ thời điểm một dự án hình thành.
Khó khăn phía trước
Để đáp ứng các mục tiêu MEF, Indonesia cần phải mua sắm nhiều hơn trong giai đoạn II. Nhưng vấn đề muôn thuở vẫn là tài chính.
Để thích ứng với nguồn ngân sách hạn chế, các bất lợi của việc mua trang thiết bị cũ, và những hạn chế của ngành công nghiệp nội địa, Indonesia cần suy nghĩ và điều chỉnh lại các mục tiêu MEF để đảm bảo rằng các mục tiêu của TNI-AL hoàn thành vào năm 2024. Điều mấu chốt là xem xét lợi ích hàng hải và các ưu tiên của lực lượng hải quân Indonesia. Một giải pháp đơn giản được đề nghị là phát triển nhiều lĩnh vực để đối phó với các thách thức an ninh.
Để đảm bảo thời hạn năm 2024, Indonesia cần có một số đổi mới và sáng tạo nếu muốn bảo đảm lợi ích hàng hải trong thời điểm bất ổn địa chính trị và tài chính. Điều chỉnh các mục tiêu MEF có thể là cách tốt nhất để tiến về phía trước.
An Bình
(Theo Diplomat)