Tuyên chiến với tội phạm trộm cắp và cướp giật
(Cadn.com.vn) - Đấu tranh với 2 loại tội phạm đang nổi lên là trộm cắp và cướp giật theo chuyên đề 807/KH-CATP-PV11, thời gian qua, lực lượng CA toàn thành phố đã có nhiều nỗ lực để kéo giảm tội phạm. Tuy nhiên, tại hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện chuyên đề này diễn ra ngày 5-4 do Đại tá Lê Văn Tam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP chủ trì, CA các địa phương vẫn tỏ ra lo lắng do tình hình tội phạm vẫn diễn ra hết sức phức tạp, trong khi đó tỷ lệ phá án còn thấp...
Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc CATP phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Tội phạm diễn biến phức tạp
Theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu CATP, qua triển khai chuyên đề 807, CA các đơn vị, địa phương đã có nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh với tội phạm trộm cắp và cướp giật. Lực lượng cảnh sát hình sự (CSHS) từ thành phố đến quận, huyện, phường thể hiện rất tốt vai trò nòng cốt, vào cuộc với tinh thần quyết liệt. Việc thành lập đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm cướp giật cũng góp phần tập trung đấu tranh làm kìm hãm loại tội phạm này trong thời gian qua. Năm 2015 và quý 1 năm 2016, lực lượng CA các cấp đã điều tra, khám phá nhiều vụ việc, chuyên án lớn, đường dây phạm tội liên tuyến, liên tỉnh, bắt giữ nhiều nhóm đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm. Trong tổng số 679 vụ trộm cắp xảy ra, đã khám phá 189 vụ, đạt 27,8%, bắt giữ 257 đối tượng; tội phạm cướp giật khám phá 38/105 vụ, đạt 36,2%, bắt 48 đối tượng có liên quan.
Từ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, đã tổ chức phát động sâu rộng phong trào phòng chống tội phạm, phổ biến giáo dục pháp luật với hơn 100.000 lượt người tham gia; phối hợp với cơ quan truyền thông, báo chí thông báo về hành vi, thủ đoạn mới của đối tượng phạm tội để nhân dân biết, có biện pháp bảo vệ tài sản; tiến hành kiểm danh, kiểm diện, gọi hỏi, răn đe hơn 10.000 lượt đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; triển khai hơn 13.600 lượt tuần tra trinh sát, hóa trang mật phục theo tuyến, địa bàn trọng điểm trên địa bàn; 30.000 lượt người tuần tra theo Quyết định 7661, nay là 8394 của UBND TP, phát hiện, ngăn chặn hàng trăm vụ trộm cắp.
Phân tích phương thức thủ đoạn của tội phạm cho thấy, tội phạm trộm cắp nổi lên chủ yếu là trộm cắp xe máy (chiếm gần 40%); trộm cắp đột nhập (22,1%). Đáng nói, có tới 46,8% vụ đối tượng trộm cắp thường xuyên lân la ở những địa bàn công cộng và lợi dụng tình trạng để xe lộn xộn, không có người trông giữ để phá khóa, lấy xe thoát khỏi hiện trường sau đó đưa đi địa phương khác tiêu thụ hoặc tháo phụ tùng bán. Với tội phạm cướp giật, chủ yếu xảy ra nhiều tại địa bàn Hải Châu (36,2%), Thanh Khê (18,1%), Sơn Trà (17,2%)...
Nếu như trước đây, đối tượng cướp giật thường thực hiện hành vi theo nhóm 2 người thì gần đây đối tượng phạm tội một mình (chiếm 48,6%). Điều này cho thấy tội phạm rất liều lĩnh, chuyên nghiệp, thực hiện hành vi nhanh gọn, chính xác. Còn nạn nhân chúng nhắm đến là những người đi bộ trong khu dân cư, người đang mua bán hàng, đi ô-tô khi xuống xe, khách du lịch dạo phố... bởi số người này thường không phản ứng kịp, không có sẵn phương tiện để đuổi bắt.
Tuyên truyền sâu rộng các thủ đoạn của tội phạm
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Đại tá Lê Văn Tam chỉ rõ, kết quả thực hiện chuyên đề cho thấy, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt được vẫn thấp, trong khi đó hai loại tội phạm này chiếm tỷ lệ tới hơn 70% trong tổng số vụ PPHS. Vì vậy thời gian đến, các đơn vị, địa phương cần phải làm tốt công tác phòng ngừa, triển khai nhiều hơn nữa những chuyên đề, biện pháp đấu tranh. Trước mắt, cần mở ngay một đợt tuyên truyền sâu rộng tại các khu vực dân cư, trường học, nơi công cộng đông người để nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân trong việc bảo vệ tài sản của mình. Cụ thể, cần phân tích tình hình hoạt động của tội phạm từ hành vi, thủ đoạn đến thời gian, địa điểm hoạt động để làm một tài liệu, cấp phát cho cơ sở để triển khai họp, tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân. “Với nhân dân, lực lượng CA phải luôn có khuyến cáo mọi người nên thận trọng với tội phạm, bởi chúng có thể hành động bất cứ lúc nào khi phát hiện sơ hở. Chúng ta ngủ phải đóng cửa, tài sản nên để nơi có người trông giữ và cẩn trọng kín đáo khi ra đường. Bởi hiện nay, nhiều người ra đường mang theo túi xách, dây chuyền, điện thoại rất sơ hở. Điều này đồng nghĩa với việc “tạo điều kiện” cho tội phạm hoạt động. Nếu mỗi người có ý thức cảnh giác, sẽ không còn đất để tội phạm cướp giật xuống tay”- Đại tá Lê Văn Tam phân tích.
Giao thêm nhiệm vụ cho lực lượng CA các cấp, Đại tá Lê Văn Tam yêu cầu CSKV soát xét kỹ từng đối tượng sưu tra, có tiền án tiền sự, nghiện ma túy sinh sống ở địa bàn để có phương án quản lý, theo dõi chặt chẽ. Bởi, không làm kỹ, không theo dõi chặt sẽ không thể lập án đấu tranh khi có vụ việc xảy ra. Làm được vậy, cần thiết phải nâng cao công tác phòng ngừa nghiệp vụ. Bên cạnh đó, rà soát, siết chặt công tác kiểm tra, điều tra các tụ điểm dễ phát sinh tội phạm như hệ thống tiệm cầm đồ, cá độ, đánh bạc dưới mọi hình thức, từ đó xây dựng kế hoạch, mở ngay đợt tổng kiểm tra các dịch vụ, chế tài những cơ sở chứa chấp các loại tài sản không hợp pháp để đấu tranh, truy tận gốc đối tượng.
“Qua đợt tổng kiểm tra, phải cho chủ cơ sở làm cam kết, và nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố, điều tra về hành vi tiêu thụ của gian. Song song đó, kiến nghị UBND quận, huyện thu hồi giấy phép đối với chủ cơ sở vi phạm nặng, bởi đây chính là những điểm tiếp tay cho tội phạm, làm gia tăng tội phạm. Thực ra, đời sống của nhân dân Đà Nẵng không đến mức đói khổ để rồi họ phải cầm cố tài sản nhiều đến vậy. Rõ ràng, với hệ thống tiệm cầm đồ nhiều như vậy, chỉ có trộm cắp, tham gia cá độ, cờ bạc mà ra. Nên phải xử cho được cơ sở kinh doanh cầm đồ vi phạm, qua đó làm cơ sở truy ra đối tượng đem tài sản không rõ nguồn gốc đi cầm cố”- Đại tá Lê Văn Tam nói.
Trước con số thống kê tội phạm trộm cắp và cướp giật đang chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số vụ PPHS xảy ra, Đại tá Lê Văn Tam chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương phải cân đối lại lực lượng, tăng CBCS ở các vị trí khác, phòng ban khác cho lực lượng hình sự để tuyên chiến với các loại tội phạm này. Và khi đã có đông quân số, nhất định mỗi đơn vị, địa phương phải tăng cường trách nhiệm, dấn thân, cụ thể hóa các phương án, kế hoạch thành hành động cụ thể, theo sát, bám chặt từng đối tượng nghi vấn, có dấu hiệu phạm tội loại bỏ ra khỏi xã hội, bảo vệ và gìn giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Công Hạnh