Tuyên truyền, vận động người dân di dời các hiện vật và tượng linh vật ngoại lai
(Cadn.com.vn) - Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL về việc thực hiện quy định không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam từ tháng 8-2014 đến nay, với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các Bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc nhiệt tình của các cơ quan truyền thông, bước đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa, thẩm mỹ trong di tích. Nhiều nhà nghiên cứu đã có những bài viết, có những trao đổi trên báo chí phân tích rõ sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, loại bỏ yếu tố lai căng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Tuy nhiên trong nhân dân vẫn còn một số người không biết, không phân biệt được tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam như thế nào; Phần lớn nhân dân không biết việc cúng tiến tượng linh vật, đồ thờ vào di tích lịch sử văn hóa mà chưa có ý kiến của các nhà chuyên môn, quản lý là vi phạm Luật Di sản văn hóa; Một số địa phương, Ban, Bộ, ngành chưa thực sự cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân di dời các hiện vật và tượng linh vật ngoại lai... Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường trách nhiệm, sát sao và quyết liệt hơn nữa để cùng với các địa phương tiếp tục đưa chủ trương vào thực tế cuộc sống. Các hoạt động như tập huấn, hội thảo, triển lãm... cần tiếp tục tăng cường. Bên cạnh công tác kiểm kê, thanh kiểm tra, cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
lNgày 15-1, tại TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tổ chức triển lãm chuyên đề "Hình tượng Sư tử và Nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam", giới thiệu 55 hiện vật từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn. Lần đầu tiên, công chúng yêu thích nghệ thuật trong và ngoài nước có dịp chiêm ngưỡng tận mắt một trong số những hình tượng linh vật trong nghệ thuật cổ đặc sắc của dân tộc. Đây là những hiện vật được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng; trong đó có một số tư liệu, tài liệu khoa học phụ của các tổ chức, đồng nghiệp có liên quan như hình ảnh, các bản vẽ đạc họa, tường giải trên cơ sở nghiên cứu hiện vật.
Trước đó, triển lãm cũng được giới thiệu với công chúng tại Hà Nội, Đà Nẵng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Gia Thuận