Tỷ lệ người Việt Nam sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh trong 10 năm trở lại đây

Thứ năm, 25/07/2024 10:00

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo “Cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại đặc biệt là chính sách thuế” do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) tổ chức ngày 24-7 tại Đà Nẵng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu thảo luận nhiều nội dung như: Tác hại của đồ uống có đường tới sức khỏe và xu hướng tiêu thụ ở Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát đồ uống có đường và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam; phương thức tiếp cận của UNICEF trong phòng, chống thừa cân, béo phì; thực trạng và sự cần thiết cải cách thuế thuốc lá ở Việt Nam…

Đề cập đến tác hại của đồ uống có đường tới sức khỏe, PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế cho hay, việc sử dụng đồ uống có đường đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cụ thể, tiêu thụ nước giải khát có đường bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít. Năm 2013, tỷ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày là 31,1%. Tỷ lệ này tăng lên 33,9% vào năm 2019. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày.

Theo bà Trương Tuyết Mai, tiêu thụ đường là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ béo phì trên toàn cầu và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống. Ngoài ra, sử dụng thường xuyên đồ uống có đường cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa như bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, tăng huyết áp…

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe; tương đương dưới 25 - 50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12- 25g đường mỗi ngày với trẻ em. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống có thêm đường.

Tiến sĩ Hoàng Thị Mỹ Hạnh (Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị để có thể giảm mức tiêu thụ đường trong đồ uống có đường và chặn đứng mức gia tăng đại dịch béo phì và đái tháo đường, các quốc gia cần thực hiện kết hợp 3 nhóm giải pháp gồm: Áp thuế với đồ uống có đường; hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em; giáo dục, truyền thông trang bị kiến thức, kỹ năng.

Bà Mỹ Hạnh nêu khuyến nghị, Việt Nam cần luật hóa áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và có lộ trình với các chính sách khác, nhằm tạo môi trường thuận lợi giảm tiêu dùng đồ uống có đường ở trẻ em và ở các khu vực/vùng miền có mức tiêu thụ cao…

Đánh giá thực trạng và sự cần thiết cải cách thuế thuốc lá ở Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên, đại diện HealthBridge Việt Nam thông tin, Việt Nam có trên 15 triệu người hút thuốc lá, thuộc nhóm 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc nhiều nhất. Mỗi năm cả nước có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Ngoài ra còn tiêu tốn 49.000 tỷ đồng/năm cho mua thuốc lá (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia. Đồng thời, thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Trong đó, hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động…

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên, thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá khác và là giải pháp dự phòng hữu hiệu đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các nước áp dụng. Tuy nhiên, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8% (2020), thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%).

Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên đề xuất, Việt Nam cần áp dụng hệ thống thuế hiệu quả theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới như: Bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh thuế tỷ lệ (cơ cấu thuế hỗn hợp); tăng mạnh mức thuế thuốc lá nhằm đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, tiến tới mức thuế đạt ít nhất 70-75% giá bán lẻ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Thuế thuốc lá cần được tăng thường xuyên để theo kịp với mức tăng lạm phát và tăng thu nhập…

Võ Văn Dũng