Tỷ phú Peter Vesterbacka truyền lửa khởi nghiệp tại Đà Nẵng

Thứ hai, 04/11/2019 09:59

Ngày 2-11, tỷ phú Phần Lan Peter Vesterbacka, người đồng sáng lập Lightneer và Mobile Monday, đại sứ thương hiệu Angry Birds có buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên của 23 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cũng tham dự buổi giao lưu.

Dự án thiết bị liên lạc thông minh đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Đà Nẵng 2019

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh trao giải nhì cho dự án Advosights.

Cuộc thi ý  tưởng khởi nghiệp Đà Nẵng 2019 vừa khép lại với chiến thắng thuộc về dự án thiết bị liên lạc thông minh (MultiGlass) với tổng giá trị giải thưởng hơn 220 triệu đồng. MultiGlass- thiết bị liên lạc thông minh bao gồm 3 nền tảng công nghệ chính: công nghệ không dây (Wireless technology), công nghệ nhận diện mống mắt (Iris recognition) và trí tuệ nhân tạo AI. Không chỉ giúp đỡ và tạo ra cộng đồng dành cho người khuyết tật, MultiGlass còn có khả năng giảm thiểu tỉ lệ tai nạn bằng cách tích hợp kính lái xe với máy chủ chính của công ty, giúp họ giám sát nhân viên của mình. Phiên bản 1 của công ty đã được tung ra thị trường và đã được tiêu thụ 10.000 sản phẩm, phiên bản 2 và phiên bản dự kiến sẽ xuất hiện trong năm 2019 và 2020.

Giải nhì thuộc về dự án Advosights với giá trị 30 triệu đồng tiền mặt. Advosights- hệ thống thang đo mức độ ảnh hưởng và sự lan tỏa thông tin của người dùng trên mạng xã hội được xây dựng dựa trên các yếu tố: Đánh giá sắc thái và khai thác các ý kiến trên mạng xã hội (OM), đánh giá tầm ảnh hưởng của một người dùng (AF), đánh giá độ yêu thích của người dùng (PP), đánh giá chất lượng bài viết và khả năng tạo nội dung của người dùng (CC).

Giải ba là dự án Bot Star trị giá 15 triệu đồng. Bot Star  là công cụ tự động hóa hội thoại và đại diện cho doanh nghiệp tương tác với khách hàng tiềm năng hoặc khách hàng hiện tại. BotStar có thể hỗ trợ cả developer và business cùng tham gia tạo ra chatbot để vừa đảm bảo chatbot có đủ tính năng nhưng lại thể hiện đúng quan điểm của doanh nghiệp. Hiện nay, BotStar đã được triển khai ở ngoài thị trường với tổng cộng 7.000 user, trong đó có 200 user đã trả phí.

Được biết cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Đà Nẵng 2019 trong khuôn khổ Surf 2019. Tổng cộng có 50 dự án tới từ các địa phương cả nước tham dự, Ban tổ chức đã chọn ra 7 dự án vào vòng chung kết, do đích thân tỷ phú thế giới Peter Vesterbacka (Phần Lan) làm giám khảo, chọn ra các giải Nhất, Nhì, Ba như trên.

HẢI QUỲNH

Thành công không đến ngay

Tỉ phú Peter Vesterbacka được biết là chuyên gia trong lĩnh vực Mobile Innovation, là người đã tạo ra một trong những sự kiện công nghệ và khởi nghiệp lớn nhất châu Âu - SLUSH. Năm 2011, ông được tạp chí TIME chọn vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Ông được biết đến là người tạo động lực, có vai trò lớn trong việc tạo ra thương hiệu Angry Birds nổi tiếng toàn cầu. Và mở đầu buổi giao lưu với hơn 1.000 sinh viên, ông đã chia sẻ những điều thú vị về hành trình công ty giải trí Rovio, “cha đẻ” của trò chơi Angry birds.

Peter Vesterbacka khởi nghiệp từ những năm 1990. Năm 2003, sau khi chứng kiến 3 sinh viên ở Phần Lan tham gia cuộc thi về game và đạt giải nhất, ông đã gợi ý, động viên họ tiếp tục phát triển công việc. Từ đó công ty Rovio Entertainment được thành lập để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê đó. Trong vòng 6 năm, công ty sản xuất 51 trò chơi nhưng đều thất bại, công ty gần như điêu đứng. Đến khi Angry Birds -  trò chơi thứ 52 ra đời vào năm 2009 đã thay đổi toàn bộ, nó tạo ra “cú huých” và đưa Rovio Entertainment ra thế giới.  “Tôi nói với các cộng sự rằng chúng ta đặt mục tiêu 100 triệu lượt dowload (tải về). Điều không thể, bởi trước đó chưa có công ty công nghệ nào đạt 100 triệu lượt dowload cả. Tất cả đều nói tôi bị điên! Và kết quả thì các bạn biết rồi đó!”, Peter kể lại.

Trong mùa giáng sinh 2010, bằng nhiều cách thức, nỗ lực, Angry Birds đã có 50 triệu lượt tải. Đến tháng 3-2011, với sự phát triển của điện thoại thông minh và sự phát triển của hệ điều hành IOS, Androi, công ty đã đạt được 100 triệu lượt download. Đến nay, trò chơi đã đạt 4 tỷ lượt download. Năm 2012, nó lọt top 10 những thương hiệu giải trí lớn nhất thế giới. Từ chỗ chỉ có 12 thành viên, đến nay công ty đã có 850 nhân viên. “Có những điều tưởng chừng không thể, nhưng một khi đã tìm ra cách và quyết tâm làm thì sẽ thành có thể”, Peter Vesterbacka chia sẻ.

 Peter Vesterbacka giao lưu với sinh viên Đà Nẵng. 

Hãy bắt tay vào làm

Tại buổi giao lưu, tỷ phú Peter Vesterbacka và Harri Ketamo, chủ tịch của Headai đã dành nhiều thời gian nói về mối quan hệ như kiềng 3 chân của Giáo dục – Khởi nghiệp – Giải trí và trả lời câu hỏi của sinh viên xoay quanh những trăn trở khi khởi nghiệp như: cách thức huy động, tìm nguồn vốn cho các ý tưởng khởi nghiệp; việc thành lập nhóm và hoạt động nhóm; cách đưa một ý tưởng trở thành hiện thực và thành công...

Peter Vesterbacka chia sẻ, việc huy động vốn là vấn đề khó khăn của tất cả các nhóm khởi nghiệp và ở mọi nơi trên thế giới. Câu hỏi “Huy động vốn ở đâu?” được đặt ra khắp nơi khi ông nói chuyện với sinh viên trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một khi đã có ý tưởng thì hãy bắt tay vào làm ngay, vừa làm vừa học, đừng nên chờ đợi. Với những ý tưởng lớn, cần quá trình dài thì hãy cứ làm từng bước một. Ngoài ý tưởng tốt, người trẻ muốn khởi nghiệp cần xây dựng cho mình một nhóm làm việc tốt, năng động và cùng chí hướng. Việc xây dựng lòng tin giữa các thành viên trong nhóm rất quan trọng. Tiếp đó, công ty khởi nghiệp phải tạo ra sản phẩm để xem phản ứng của thị trường, rồi mới bắt đầu tìm vốn đầu tư từ bên ngoài. “Phương pháp của chúng tôi là làm và nghĩ, không cần suy nghĩ quá nhiều, hãy làm, mắc lỗi, sửa lỗi và tiếp tục làm”, ông nói.

Bạn trẻ đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

Ngoài tỷ phú Peter Vesterbacka, tại buổi giao lưu còn có ông Harri Ketamo, chuyên gia có kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực công nghệ Learning Sciences, Data Mining và AI (trí tuệ nhân tạo) cũng đã có những chia sẻ thú vị trong áp dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển các kỹ năng, thực hiện các công việc trong đời sống.

Sau buổi giao lưu, Tỷ phú Peter Vesterbacka nhận định, các sinh viên ở TP Đà Nẵng đang có lợi thế rất lớn khi nơi đây có hệ sinh thái khởi nghiệp rất tốt, năng động, với nhiều mô hình, ý tưởng sáng tạo nên cần phải biết nắm bắt cơ hội này. Ông cũng hy vọng trong tương lai, tại Đà Nẵng sẽ có nhiều công ty khởi nghiệp thành công. “Ba sinh viên trẻ ở Phần Lan có thể tạo ra được Angry Birds thì biết đâu sẽ có nhóm sinh viên nào đó ở Đà Nẵng cũng có thể làm được những điều tương tự như thế. Chúng ta có thể thành công khi làm việc cùng nhau”, ông Peter hào hứng.

MAI VINH