Ukraine và trục Nga-Trung
(Cadn.com.vn) - Chính sách của Mỹ hiện nay về cuộc khủng hoảng Ukraine là động lực thúc đẩy Moscow, Bắc Kinh hợp tác với nhau tới mức độ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, tạo ra trục Nga-Trung, đặc biệt là trên các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, chính trị và quân sự.
Mỹ "sản sinh" trục Nga-Trung
Giới phân tích cho rằng, bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt với Nga và đe dọa dùng vũ lực tại Ukraine, Mỹ vô tình thúc đẩy Trung - Nga xích lại gần nhau.
Từ tháng 5-2014 trong chuyến thăm tới Thượng Hải, Tổng thống Nga Putin tuyên bố sự hợp tác song phương trở thành sự kiện "tốt nhất trong tất cả các sự kiện diễn ra nhiều thế kỷ nay". Đặc biệt, Tổng thống Nga liên tục dùng thuật ngữ "liên minh", mặc dù không hề nói đến mối quan hệ quân sự.
Ngoài những phát ngôn này, Nga-Trung ký hợp đồng cung cấp khí đốt dài 30 năm, giá trị 400 tỷ USD. Đây là thỏa thuận sau hơn 10 năm đàm phán không mang lại kết quả. Điều này cho thấy lệnh trừng phạt của phương Tây giúp phá vỡ thế bế tắc giữa hai quốc gia và cuối cùng Moscow chấp nhận điều khoản về giá do Bắc Kinh đưa ra.
Trong lĩnh vực vũ khí, Nga cũng có nhiều nhượng bộ. Trước đây, Moscow từ chối không cho Bắc Kinh tiếp cận với các loại vũ khí hiện đại nhất vì lo ngại bị đánh cắp bản quyền. Tuy nhiên, Moscow hiện đồng ý bán các loại vũ khí này cho Bắc Kinh, đặc biệt là hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35. Những công nghệ này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng vùng phủ sóng, phạm vi phòng thủ và tấn công. Ngoài mua bán vũ khí, hợp tác hải quân song phương cũng tiến thêm một bậc, nhất là cuộc tập trận chung trên biển hồi tháng 5-2014.
Việc duy trì mối quan hệ hữu hảo với Moscow được Bắc Kinh ưu tiên trong suốt thời gian qua. Trước hết, có thêm đồng minh, tất nhiên có lợi cho chính sách tại khu vực Châu Á, nơi Trung Quốc đang có những tranh chấp lãnh thổ với Nhật và các quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy, việc cải thiện mối quan hệ với Nga sẽ có lợi hơn cả, nhất là sau khi Moscow giúp Bắc Kinh giải quyết một số vấn đề liên quan đến ngoại giao. Đặc biệt hơn, nó giúp Trung Quốc tiếp cận với chiến lược của Nga, giúp Bắc Kinh có thể bảo vệ sườn phía bắc, nơi có dải biên giới đất liền rộng hơn 3.500km và thường xuyên có những xung đột kể từ những năm 1960.
Từ đó, Trung Quốc rảnh tay tập trung vào việc mở rộng ảnh hưởng sang phía nam và phía đông, giống như Mỹ tăng cường ngoại giao với Canada và Mexico.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi tháng 5-2014. |
Mỹ phải làm gì?
Để giảm bớt hiệu ứng từ trục Nga-Trung gây ra, Washington nhanh chóng sửa sai.
Trước tiên là thay đổi suy nghĩ. Thay vì cho rằng Á- Âu cách biệt, nay Mỹ nhận thức đầy đủ hơn về thực tế để có thay đổi trong quan hệ đối với người Nga. Hiện tại, vẫn còn nhiều người Mỹ duy trì quan điểm cho rằng, Nga là nơi gây ra Chiến tranh lạnh, Nga vẫn cho gửi xe tăng, vũ khí đến các quốc gia khác tại Châu Âu.
Ngoài ra, nhiều người Mỹ còn có quan điểm coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính trong khi đó Washington lại không tìm cách giải quyết thỏa đáng cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ đứng về phía phương Tây cấm vận Nga… Tất cả những điều này nếu được giải quyết, Nga sẽ nhanh chóng rút ra khỏi mối quan hệ với Bắc Kinh.
Một trong những điểm nhấn giúp kết thúc xung đột là loại trừ vĩnh viễn khả năng gia nhập NATO của Ukraine. Đây là quyết định nguy hiểm như từng nêu trong quyết định của NATO hồi tháng 4-2008, theo đó cả Ukraine lẫn Georgia "sẽ trở thành thành viên" của NATO, điều gây đe dọa tới an ninh của Nga, buộc Moscow phải có những hành động tự vệ cần thiết. Nếu Ukraine trở thành quốc gia trung lập, Nga sẽ trở thành một người hàng xóm lý tưởng hơn. Bởi là một cường quốc, lại có chân trong HĐBA LHQ thì không lý gì Nga lại đi xâm lược các nước láng giềng.
Kim Hùng
(Theo Diplomat)