Ứng xử chuẩn mực để đẹp thêm môi trường du lịch

Thứ sáu, 07/08/2015 10:04

(Cadn.com.vn) - Để thực hiện được hành vi ứng xử mang tính chuẩn mực, quy tắc trong không gian cộng đồng chắc chắn không phải là điều đơn giản. Nhưng việc ban hành và phổ biến Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP Đà Nẵng là việc làm có tính đột phá, cần thiết để xây dựng ngày càng đẹp môi trường du lịch của thành phố an toàn, thân thiện, đáng sống.

Cần thiết cho thành phố có nhiều danh hiệu

Việc liên tục gặt hái được nhiều danh hiệu trên lĩnh vực du lịch và được các tạp chí uy tín bình chọn là điểm đến mới nổi cũng đặt Đà Nẵng vào những áp lực nặng nề. Đó là có cái "danh" rồi, phải thực hiện cái "phận". Giành danh hiệu đã khó, giữ và phát triển danh hiệu đó còn khó hơn nhiều. Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch ra đời chắc cũng là một trong những công việc nằm trong nhiệm vụ này.

Bộ Quy tắc gồm 4 chương, 13 điều được Sở VH-TT & DL ban hành áp dụng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan đến du lịch; người dân và du khách đến tham quan, du lịch tại địa phương. Mục đích là nâng cao nhận thức của người dân, từng bước hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện trong hoạt động du lịch, nhất là khi đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động ở nơi công cộng trong và ngoài nước.

Đối với các tổ chức, cá nhân và ngành hoạt động liên quan đến du lịch, bộ quy tắc đưa ra quy định chung như tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục tập quán địa phương, có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, tuân thủ những quy định tại từng điểm tham quan. Đặc biệt người dân ở đây không được đeo bám, chèo kéo làm phiền khách du lịch, phải niêm yết giá công khai, không được cung cấp dịch vụ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đối với du khách, ngành chức năng thành phố đặt ra những yêu cầu mang tính cơ bản về việc phải tôn trọng truyền thống văn hóa, có ý thức giữ gìn, không gây ồn ào, mất trật tự hoặc nói chuyện quá lớn làm ảnh hưởng đến người xung quanh; không hái hoa, bẻ cành, chọc ghẹo thú nuôi tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng; tiết kiệm điện, nước, bảo quản các đồ dùng khi sử dụng các dịch vụ…

Với việc chú trọng đến vấn đề môi trường, Bộ Quy tắc cũng yêu cầu du khách có ý thức và trách nhiệm bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên, không vứt rác hoặc khạc nhổ bừa bãi, đi vệ sinh đúng nơi quy định. Đồng thời, Bộ Quy tắc cũng cung cấp cho du khách những thông tin cơ bản về văn hóa ứng xử tại các điểm đến, góp phần làm tốt đẹp mối quan hệ giữa người dân với du khách.

Trong khi nhiều bạn trẻ rải quân đi dọn dẹp vệ sinh môi trường thì vẫn còn những bạn trẻ khác thiếu ý thức, ăn uống, xả rác trên bãi biển.

Thời điểm thích hợp để người Đà Nẵng làm đại sứ du lịch

Theo đại diện các doanh nghiệp du lịch cũng như ý kiến của du khách, đối với thành phố du lịch được nhiều người chọn là điểm đến như Đà Nẵng thì việc ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử là rất hợp lý và cần thiết. Trên thực tế, hình ảnh về du lịch Đà Nẵng lâu nay nhận được thiện cảm rất lớn đối với du khách trong nước cũng như quốc tế.

Tuy nhiên để thực hiện được các quy định mang tính ước lượng, cảm tính kiểu như "trang phục phù hợp", "sử dụng có kiểm soát rượu bia", "không nói chuyện quá lớn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh", "lấy thức ăn vừa dùng, tránh lãng phí", "không thể hiện tình cảm quá mức nơi công cộng"… là cực kỳ gian nan. Vì không chỉ ngành du lịch mà cả cộng đồng đều không chấp nhận được những hành vi phản cảm của một bộ phận người dân nơi công cộng nhưng đã bao lâu nay, chúng ta cứ tuyên truyền, phê phán rồi đâu lại vào đấy.

Nói như vậy không có nghĩa là ngành Du lịch đang cố làm những điều "vô vọng" mà chúng ta tin rằng dù không làm được "sạch" thì mưa dầm thấm lâu, những hành vi phản cảm cũng sẽ ít đi, ý thức của người dân, du khách sẽ được nâng lên mỗi khi thấy các tấm biển tuyên truyền, các khẩu hiệu hành động, các slogan cổ vũ ở nhà hàng, khách sạn, bãi biển, khu điểm du lịch. Chẳng có mục tiêu nào thành hiện thực nếu chỉ hô khẩu hiệu hoặc treo băng - rôn, ban hành văn bản. Nghĩa là Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch khi ra đời phải nhận được sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, du khách, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cả các cấp chính quyền.

Và đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ mỗi công dân Đà Nẵng trở thành một đại sứ du lịch của thành phố! Nói gì thì nói, mình là chủ nhà mà không tự giác, không nêu gương thì khó mà  thuyết phục người khác. Trong phần tổ chức thực hiện của Bộ Quy tắc, Sở VH-TT & DL cũng đặc biệt đề cao vai trò chủ nhà khi nêu trách nhiệm "Người dân thành phố Đà Nẵng thực hiện Bộ Quy tắc để từng bước hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch, qua đó nâng cao hình ảnh tốt đẹp của con người Đà Nẵng khi đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động ở nơi công cộng trong và ngoài nước".

Ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL, việc xây dựng Bộ Quy tắc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về văn minh du lịch và tạo ấn tượng đẹp với du khách trong nước và quốc tế. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc hoặc có những nội dung chưa phù hợp với thực tế, Sở sẽ tiếp nhận các ý kiến phản hồi, góp ý của các tổ chức và người dân để tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bảo Nam