Ước vọng ngày trở về

Thứ sáu, 06/02/2015 07:57

(Cadn.com.vn) - “Cuộc di cư khổng lồ”, “Cuộc di cư mùa xuân” là cách ví von của báo chí Trung Quốc nói về quy mô dịch chuyển quá lớn, lên đến hàng tỷ lượt người trong hơn 1 tháng từ thành thị về nông thôn đón Tết Nguyên đán của người Trung Quốc. Ở Việt Nam dịp Tết Nguyên đán cũng thế. Tất bật mưu sinh cả năm ròng với bao bộn bề lo toan, khi mà ngọn gió xuân dịu nhẹ mang theo mưa bụi nhẹ nhàng trải khắp đất trời, là lúc mỗi người bổi hổi nỗi niềm thương nhớ quê nhà. Nhưng ở Việt Nam không ai gọi là “di cư”, mà gọi là “trở về”.

Về quê ăn Tết với người Việt mình thiêng liêng lắm. Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi trong năm được nhẹ nhàng thong thả bước chân trên đường quê, được nghe tiếng gà gáy ban mai, tiếng hàng tre kĩu kịt, được gặp lại gia đình, người thân rồi đắm chìm trong những ký ức tuổi thơ hồn nhiên, vụng dại. Được về thăm quê ngày Tết, dù chỉ là vài hôm ngắn ngủi, vẫn luôn là nỗi khao khát cháy bỏng trong lòng người tha hương. Có người vì lý do đặc biệt nào đó không thể về quê, đêm ba mươi sẽ trở nên dằng dặc trong nỗi nhớ khó mà kìm nén được giọt ngắn giọt dài. Tình quê ngày Tết thật không thể nào nói hết.

Năm nay cũng vậy. Giáp Ngọ là năm nhuận nên nỗi nhớ quê hương như chồng chất thêm. Thế nhưng, cùng với sự háo hức được về quê đón xuân là những nỗi lo. Khoảng nửa tháng Chạp, bà con mình ở TPHCM đã rục rịch ra bến xe mua vé về Trung, ra Bắc. Có người nằm vật vạ cả đêm ở bến xe đến lả người vẫn chưa thể “sở hữu” một tấm vé về quê. Cước hành khách đường bộ, đâu đó vẫn xảy ra tình trạng nhích lên dần so với ngày thường. Người có điều kiện sử dụng các phương tiện tốt hơn như tàu hỏa giường nằm, tàu bay cũng đối mặt với tình trạng ăn chặn, bắt chẹt, có nơi tạo ra sự khan hiếm vé để nâng giá... Đọc những dòng tin như vậy, trong lòng thấy xót xa lắm. Ai cũng biết, khi có biến động lớn về cung – cầu,  việc phát sinh cách hành xử khác thường để mưu lợi là điều không tránh khỏi, song sự mưu lợi trong trường hợp này là không chính đáng, rất cần có sự can thiệp của ngành chức năng, cơ quan quản lý với các cơ chế giám sát chứ không chỉ là những lời hứa suông.

Còn một nỗi lo khác là tình hình TTATGT trong dịp Tết. Do lưu lượng người, phương tiện đông đúc, tăng vọt so với ngày thường, cùng với nạn “chặt chém”, các vụ TNGT luôn gia tăng. Mấy năm trước từng xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu do tăng chuyến, tài xế mệt mỏi ngủ gật hoặc do phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách trên các tuyến xe khách đường dài. Do vậy trong những ngày này, cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành Luật GTĐB và đặc biệt phải có các chế tài xử lý nghiêm khắc, triệt để nhằm ngăn ngừa những vụ tai nạn.

Một mùa xuân nữa lại đến mang theo ước vọng được sum họp và an lành, chúng ta ai nấy đều hân hoan đón chào, trao gởi cho nhau lời chúc may mắn, hạnh phúc. Thế nhưng nếu như ở thời điểm giao thừa vẫn còn hành khách vất vưởng ngóng đợi xe ở bến; vẫn còn có những hành khách phải xót xa, thắc thỏm trả thêm những đồng tiền cước vô lý cho nhà xe; vẫn còn những chuyến xe nằm dọc đường do hỏng hóc, do tai nạn do lỗi chủ quan của con người, thì mọi lời chúc cũng trở nên vô nghĩa và phản cảm.

Mấy lời trước thềm xuân mới và hy vọng bài báo nhỏ này sẽ đến kịp những nơi cần đến, để những “chuyến xe trở về quê hương” được thượng lộ bình an!

Nguyễn Đức Nam