Ươm "mầm xanh" trên vùng đất mới

Thứ hai, 28/09/2015 10:50

(Cadn.com.vn) - Giữa vùng rừng thiêng nước độc của xã Don Campech (H. SangDan, tỉnh Kampong Thom, Campuchia), cánh rừng cao su xanh ngát với hàng nghìn héc-ta vươn lên báo hiệu thành công của một dự án. Để có được thành quả của ngày hôm nay, bao mồ hôi, kể cả sinh mạng của cán bộ, nhân viên Cty TNHH MTV cao su Chư Păh đổ xuống để có ngày hôm nay... Và điều đó đang góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai đất nước Việt Nam - Campuchia.

Những vườn cao su xanh mướt báo hiệu những thành quả của dự án trên đất nước Campuchia.

Sau gần 600km từ trụ sở của Cty TNHH MTV cao su Chư Păh (Gia Lai) qua cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, chúng tôi có mặt tại tỉnh Kampong Thom khi trời vừa chập choạng tối. Bữa cơm tối giữa đất nước chùa tháp Campuchia với món bia đen truyền thống khiến ai cũng khá lạ lẫm, thú vị. Anh Huỳnh Ngọc Minh-Phó Giám đốc phụ trách Cty phát triển cao su C.R.C.K (Cty CRCK) cùng cán bộ, nhân viên hồ hởi: "Lâu lắm mới được đón đoàn Việt Nam sang thăm dự án. Mình vừa mới đi hơn cả 100 cây số để ra đây". Bên bữa cơm, anh Minh giới thiệu sơ qua dự án, Cty CRCK được thành lập trên cơ sở sang nhượng lại dự án từ Cty cao su C.R.C.K giữa Cty TNHH MTV cao su Chư Păh (Cty cao su Chư Păh) với Cty Đầu tư và Phát triển Đông bắc Campuchia với trên diện tích hơn 6.000ha tại địa bàn xã Don Campech. Đây không chỉ là nhiệm vụ của "công ty mẹ" là Cty cao su Chư Păh giao phó mà còn là nhiệm vụ mà Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trong dự án trồng 100.000ha cao su tại Campuchia. Dự án không chỉ đơn thuần vì mục tiêu kinh tế mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội cho các địa phương nước bạn nơi dự án được triển khai.

Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên xe để được tận mắt thấy thành quả là những vườn cao su xanh mướt như lời giới thiệu của anh Minh. Từ huyện SangDan, đoàn xe tiếp tục rẽ vào con đường thảm nhựa vào xã Don Campech. "Từ khi triển khai dự án ở khu vực này, con đường nhựa cũng được chính quyền tỉnh Kampong Thom cũng vừa mới đầu tư, dù vẫn còn vài đoạn đường đất nhưng người dân địa phương cũng vui mừng lắm rồi. Bởi trước đây, chỉ hơn 100km nhưng muốn vào được nơi triển khai dự án cũng phải mất nửa ngày trời", anh Minh kể.

Tiến sĩ Lê Đức Tánh (thứ 2 từ trái qua) vui mừng trò chuyện trong vườn cao su đang lên xanh tốt.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ, trước mặt chúng tôi là những con đường đất đỏ trải dài thẳng tắp, 2 bên là những lô cao su xanh mướt 2-4 năm tuổi nối tiếp nhau bạt ngàn, vô tận. Đón chúng tôi ở dãy nhà bằng gỗ, dù đang tạm bợ nhưng cũng đầy đủ các phòng làm việc, nhà ở cho cán bộ, công nhân, Tiến sĩ Lê Đức Tánh - TGĐ Cty cao su Chư Păh vui vẻ hỏi thăm sau chặng đường dài. Không giấu vẻ tự hào mà dự án đã đạt được những thành công bước đầu, ông Tánh cùng những cán bộ, nhân viên khác đưa chúng tôi đi thăm những lô cao su trải dài xanh mướt. "Năm 2009, chúng tôi đặt chân vào đây khảo sát cho dự án 6.000ha cao su, chỉ một đoạn đường hơn 100 cây số nhưng đếm sơ có hơn... 100 cây cầu tạm, ái ngại khi vùng đất này ở giữa vùng rừng thiêng, nước độc. Và một cán bộ kĩ thuật của Cty cũng đã ngã xuống vì bệnh sốt rét hoành hành trong những ngày đầu. Bởi từ khi khai thiên lập địa đến nay chưa có một dấu chân người vào đây khai phá. Thế nhưng, với sự quan tâm của hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia, các Bộ, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương của nước bạn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, lao động, an ninh xã hội, chúng tôi đã làm được những điều tưởng chừng như không tưởng đó", Tiến sĩ Tánh tâm sự với chúng tôi bên những lô cao su chỉ còn 1-2 năm nữa là vào kỳ thu hoạch.

Với gần 4.400ha cao su được trồng từ năm 2010 đến nay do Cty cao su Chư Păh đầu tư 100% vốn, theo tính toán của những cán bộ, nhân viên Cty CRCK thì chỉ 2 năm nữa thôi, những rừng cao su sẽ cho những dòng mủ đạt chất lượng với sản lượng khoảng 2 tấn/ha (so với 1,7 tấn/ha tại những vườn cao su ở Gia Lai). Ít ai biết rằng, chỉ 6 năm về trước, nơi đây là vùng rừng thiêng, nước độc, không có dân cư sinh sống, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu thì nay đã hình thành được làng dân cư với điện, đường, trường trạm... và cả ngôi chùa do Cty hỗ trợ với 52.000USD phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân Campuchia tại huyện SangDan. Với khoảng 300 công nhân địa phương được tuyển dụng với thu nhập 600.000-700.000 riel/ tháng (khoảng 3,5-4 triệu đồng) trong giai đoạn xây dựng cơ bản ở 2 nông trường của dự án đã góp phần giải quyết vấn đề lao động, thu nhập cho chính người dân Campuchia ở đây. Không chỉ làm sổ lao động cho công nhân bản địa mà phía Cty còn đóng bảo hiểm tai nạn, khám và cấp phát thuốc, chữa bệnh miễn phí định kì cho người lao động và người dân địa phương.

Khu nhà ở được xây dựng khang trang cho 50 hộ công nhân người Campuchia
được tuyển dụng vào Cty.

Chỉ tay về phía những căn nhà gỗ 2 gác vừa được cất lên trên bãi đất bằng phẳng, Tiến sĩ Tánh cho biết: "50 căn nhà gỗ vừa được Cty dựng lên với đầy đủ các phòng, nhà vệ sinh, sân sinh hoạt, giếng nước nhằm phục vụ cho người lao động địa phương mà Cty tuyển dụng, góp phần ổn định cuộc sống cũng như lao động sản xuất tại đây". Không chỉ thế, trong 3 năm vừa qua, Cty cũng đã ủng hộ các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội của địa phương với hơn 50.000USD góp phần khởi sắc cho khu dân cư thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kampong Thom này. Trước đây khu vực này không có sóng điện thoại, với sự kêu gọi của Cty, Viettel đã đặt trạm thu phát sóng thông tin di động phục vụ cho dự án cũng như nhu cầu của người dân. Thế nên tình hình ở khu vực triển khai dự án yên ổn, an sinh, các làng quanh khu vực coi những cán bộ, nhân viên của Cty như là cộng đồng của người Campuchia.

Nơi chúng tôi đứng, với khoảng 7ha sẽ hình thành nên khu trụ sở làm việc được xây dựng bề thế và khoảng 200ha xa kia sẽ hình thành nên khu dân cư, khu chợ búa, trường học phục vụ cho khoảng 1.000 lao động, cán bộ, nhân viên của Việt Nam và Campuchia. Tương lai không xa, một hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ sẽ được hình thành nơi đây và một khu dân cư sầm uất xóa đi cảnh rừng thiêng, nước độc, sốt rét hoành hành... Tiến sĩ Tánh chia sẻ: "Với 1 đơn vị của Việt Nam sang đây thì mình cũng phải làm sao phát huy được truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và truyền thống Cty nói riêng trên đất nước bạn là một hình ảnh đẹp, gần gũi cùng với nhân dân địa phương chung tay phát triển kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị của 2 nước. Đấy cũng là điều mong muốn, hạnh phúc của những người xa xứ để xây dựng dự án này".

Minh Tân