USS Gerald R. Ford - "con cưng" của Lầu Năm Góc

Thứ hai, 24/07/2017 11:05

Mỹ ngày 23-7 tuyên bố đưa vào sử dụng tàu sân bay USS Gerald R. Ford, tàu chiến có công nghệ tối tân trị giá gần 13 tỷ USD, điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gửi "một thông điệp 100.000 tấn cho thế giới" và sẽ khiến kẻ thù của Mỹ "run sợ".

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại lễ bàn giao tàu USS Gerald R. Ford. Ảnh: Washington Post

"Sức mạnh của nước Mỹ"

Phát biểu tại lễ bàn giao ở căn cứ hải quân Norfolk thuộc bang Virginia, Tổng thống Trump khẳng định, tàu sân bay này là chiến hạm đắt nhất từng được chế tạo, sẽ là trung tâm sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài. "Ở bất cứ nơi nào mà chiếc tàu này đi ngang qua chân trời, đồng minh của chúng ta sẽ an tâm và kẻ thù của chúng ta sẽ run sợ vì mọi người đều biết rằng Mỹ đang đến và đến một cách oai phong", ông Trump tuyên bố. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng khẳng định, tàu chiến này đóng vai trò "răn đe để chúng ta không phải chiến đấu".

Lễ bàn giao có sự tham dự của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, bà Susan Ford Bales, người bảo trợ và là con gái của ông Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Mỹ. "Không ai tự hào về việc bàn giao tàu hơn là tổng thống Mỹ Gerald R. Ford. Thay mặt tổng thống thứ 38 và với tư cách người bảo trợ con tàu, tôi vinh dự khi ra lệnh. Các sĩ quan và thuyền viên tàu USS Gerald R. Ford, hãy điều khiển con tàu của chúng ta và mang sự sống đến cho nó!", con gái ông Ford nói.

Tàu sân bay đắt nhất lịch sử

Tàu USS Gerald R. Ford, bắt đầu được đóng từ năm 2009 và có kế hoạch hoàn tất vào năm 2015 với chi phí 10,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều này bị trì hoãn do các hệ thống và công nghệ tân tiến của tàu khiến ngân sách vượt kế hoạch, trong đó có hệ thống phóng bằng điện từ cho các máy bay sẽ thay thế hệ thống phóng bằng hơi nước. USS Gerald R. Ford, dài 335,28m, sử dụng công nghệ hiện đại và hệ thống vận hành cho phép máy bay cất cánh và hạ cánh nhanh hơn trước đây. Tàu sân bay mới sẽ hoạt động với 2.600 thủy thủ, ít hơn gần 600 người so với tàu sân bay lớp Nimitz.

Tàu hoàn tất thử nghiệm trên biển hồi tháng 4 nhưng vẫn phải trải qua các cuộc thử nghiệm và kiểm tra trước khi đi vào hoạt động, sẵn sàng được triển khai. Công việc này dự kiến tiêu tốn gần 780 triệu USD và mất hơn 4 năm để hoàn tất. Sau đó, tàu sẽ tiếp nhận 75 máy bay trước khi triển khai nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên vào năm 2020.

Tàu sân bay mới này sẽ là chiếc tàu chủ chốt của lớp "siêu hàng không mẫu hạm mới", là lớp mới đầu tiên trong vòng 40 năm và là những tàu chiến đắt tiền nhất từng được chế tạo. Những tàu sân bay lớp Ford này sẽ thay thế những siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz hiện tại, một lớp gồm 10 tàu chiến chạy bằng năng lượng hạt nhân được đặt theo tên Đô đốc Hải quân Chester W. Nimitz thời Thế chiến II.

Tàu sân bay lớp Ford có khả năng mang nhiều máy bay hơn so với lớp Nimitz trong khi sử dụng thủy thủ đoàn ít hơn nhờ áp dụng nhiều công nghệ tự động hóa vận hành. Đây được coi là niềm tự hào của Tổng thống Trump. Tàu sân bay mới là một phần trong kế hoạch đầu tư quốc phòng của Nhà Trắng. Hải quân Mỹ kỳ vọng sẽ dành khoảng 81,3 tỷ USD để đóng mới 38 tàu chiến, bao gồm kế hoạch thay thế tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, mua sắm thêm 9 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, 10 tàu khu trục lớp Arleigh Burke và một số tàu mặt nước khác. Đến năm 2021, Hải quân Mỹ sẽ có quy mô lực lượng khoảng 308 tàu chiến.

Có thực sự hoàn hảo?

Tuy hiện đại là thế, nhiều chuyên gia quân sự chỉ ra nhiều điểm yếu quan trọng của tàu USS Gerald R. Ford.

Bloomberg dẫn nguồn tin từ Hải quân Mỹ cho biết, lỗi nguy hiểm trên chiếc tàu đắt đỏ này là hệ thống máy phóng điện từ có thể khiến bình nhiên liệu phụ trên chiến đấu cơ bị hư hại nặng. USS Gerarld R. Ford từng xuất hiện sự cố trong quá trình thử nghiệm ở hệ thống phóng, hạ máy bay, hệ thống vận chuyển vũ khí quân sự và hệ thống phòng vệ. Tiến sĩ Michael Gilmore, người đứng đầu Cơ quan đánh giá hoạt động thử nghiệm (DOT&E) cho biết: "Nếu những vấn đề này không được giải quyết, chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận hành chiến đấu của USS Gerald R. Ford. Theo dự đoán, tàu không thể tiến hành các hoạt động bay cường độ cao ở giai đoạn của cuộc chiến".

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác cho rằng, cấu hình tàu sân bay USS Gerald R. Ford cũng như các tàu sân bay khác hiện nay đều có chung lỗi nghiêm trọng là lực lượng tiêm kích hạm. Tất cả tàu sân bay Mỹ đều sử dụng tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet. Để đảm bảo an toàn, tàu sân bay Mỹ sẽ phải ở khu vực cách xa mục tiêu tới 2.300 km, ngoài tầm bắn của các tên lửa Dong Feng. Trong khi đó, tiêm kích F-18 chỉ có bán kính chiến đấu 740 km.

 AN BÌNH