Ưu tiên các nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 01/11/2019 15:51

Ngày 31-10, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng năm 2019. Hội nghị đã biểu dương 8 tập thể, 28 cá nhân đã có thành tích tốt trong công tác phát huy đoàn kết, đồng thuận các dân tộc góp phần tích cực và xây dựng và phát triển thành phố.

Ông Võ Công Trí - Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc.

Ông Ngô Khôi-Phó giám đốc Sở Nội Vụ, Trưởng ban Tôn giáo TP Đà Nẵng cho biết: TP hiện có 1.134.310 người trong đó có khoảng 4.942 người thuộc 28 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm cao nhất là dân tộc Hoa với hơn 60% (dân tộc Cơ Tu 24,3%)... Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố với bản sắc văn hóa riêng đã góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú với các sắc màu văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Đà Nẵng. đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống tập trung tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc, thôn Phú Túc của xã Hòa Phú (H. Hòa Vang) và người Việt gốc Hoa phân bổ chủ yếu ở quận Hải Châu và Thanh Khê.

Đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP đã định cư nhiều năm, trải qua nhiều thế hệ, cư trú xen kẽ với đồng bào người Kinh, có mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, hòa đồng với cộng đồng các khu dân cư, phong tục tập quán, tâm lý, lối sống, tín ngưỡng, tôn giáo của đa số các dân tộc mang tính đặc thù đã bị mai một đi nhiều.  Hiện nay, chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu và cộng đồng người Hoa còn lưu giữ, bảo tồn và phục dựng được một số văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng. Đời sống kinh tế của đa số người dân tộc trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn. Bà con dân tộc Cơ Tu phần lớn phát triển kinh tế nhờ trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đối với cộng đồng người Việt gốc Hoa chủ yếu là lao động phổ thông và hoạt động kinh doanh, buôn bán nhỏ.

Trong giai đoạn 2014-2015, TP đã hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, giao 690 ha đất lâm nghiệp để sản xuất cho 134 hộ của hai thôn Tà Lang và Giàn Bí. Từ 2016-2019, TP đã tiếp tục giao đất cho 140 hộ gia đình cũng ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí với tổng diện tích 422,14 ha. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng đã giao cho 262 hộ nhận khoán bảo vệ rừng cho 3 xã gồm Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú (H. Hòa Vang) với tổng diện tích hơn 17.634 ha. Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng đã phối hợp với UBND H. Hòa Vang tổ chức tiến hành lắp đặt đồng hồ đo nước công trình nước sạch sinh hoạt ở vùng đồng bào thiểu số và thực hiện hỗ trợ giá sử dụng nước sạch không thu tiền tiêu thụ nước sinh hoạt hạn mức 15m3/hộ/tháng và thu 2.000 đồng/m3 với khối lượng tăng thêm vượt quá.

Bên cạnh đó, UBND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án cho đồng bào dân tộc thiểu số với tổng vốn đầu tư là 3,988 tỷ đồng gồm: nâng cấp nhà gươl thôn Tà Lang (1,125 tỷ đồng), nâng cấp nhà gươl thôn Phú Túc (818 triệu đồng), nâng cấp nhà gươl thôn Giàn Bí (812 triệu đồng), dự án nghĩa trang di dời mộ đồng bào dân tộc Cơ Tu giai đoạn 2 (1,233 tỷ đồng). Bên cạnh đó, TP đã hỗ trợ BHYT cho 4.500 lượt người nghèo, thoát nghèo, người cận nghèo với số tiền 2.086 tỷ đồng. Đến nay, TP đã hỗ trợ thẻ BHYT cho 5.838 lượt người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống tại các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Bắc với kinh phí 3,94 tỷ đồng. "Đặc biệt, trong những năm qua, TP đã tổ chức triển khai đồng bộ các chính sách và giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP, trong đó quan tâm hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các chính sách, TP đã trợ giúp cho hơn 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Chính sách hỗ trợ về tín dụng từ năm 2014 đến nay đã có gần 320 lượt người được hỗ trợ với kinh phí 1,2 tỷ đồng", ông Ngô Khôi cho hay.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong những năm qua, ông Võ Công Trí - Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu trong thời gian đến, đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp cùng với đồng bào các dân tộc tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc, các chương trình, chính sách, dự án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được bám sát, triển khai thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, các nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía Tây TP phải được huy động, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Võ Công Trí cũng yêu cầu Mặt trận và các đoàn thể CT-XH các cấp, các hội quần chúng đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, tạo cơ hội để đồng bào các dân tộc trên địa bàn TP được tiếp cận tốt hơn, công bằng hơn đối với thành quả phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, của thành phố. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc TP Đà Nẵng phải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự lực, tự cường không ngừng phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín phải được phát huy trong công tác bảo toàn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện các chương trình thành phố "5 không", TP "3 có", TP "4 an", xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với bảo vệ môi trường.

LÊ ANH TUẤN