Vaccine Covid-19 - công cụ để Israel mua chuộc đồng minh?

Thứ bảy, 27/02/2021 17:25

Khi nói đến việc khó tìm mua vaccine Covid-19, những đồng minh của Israel phát hiện ra con đường dễ dàng hơn là “đi qua Jerusalem”.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer cho người dân tại Tel Aviv, Israel.   Ảnh: AFP

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận đã chia sẻ vaccine Covid-19 với một số quốc gia thân thiện đã ủng hộ Israel trong quá khứ. Mặc dù ông không nêu tên các quốc gia nhưng danh sách do đài truyền hình Israel thu được cho thấy một trong số đó đã ủng hộ tuyên bố của Israel đối với thành phố đang tranh chấp Jerusalem là thủ đô của mình. Các bình luận được đưa ra vào thời điểm Israel vấp phải sự chỉ trích của quốc tế vì đã chia sẻ nhỏ giọt và chậm chạp kho vaccine khổng lồ của mình với người dân Palestine. Họ cũng minh họa bằng cách nào đó tại thời điểm cần thiết hiện nay, vaccine đã trở thành một tài sản có thể được sử dụng cho mục đích ngoại giao.

Vì sao Israel tạm dừng chiến lược “ngoại giao vaccine”?

Thủ tướng Netanyahu đã thực hiện một trong những chiến dịch tiêm chủng thành công nhất thế giới, đảm bảo hàng triệu liều từ các nhà sản xuất thuốc Pfizer và Moderna. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông cho biết Israel đã tiêm vaccine Pfizer/ BioNTech cho hơn 5 triệu người và có thể hoàn thành nhiệm vụ mới với 6,2 triệu người trưởng thành trong vòng vài tuần.

Ông cũng cho biết Israel đã tích lũy được nguồn cung dư thừa hàng trăm nghìn vaccine Moderna. Sau khi xác định rằng Israel có “quá đủ” vaccine cho dân số của mình, ông cho biết cá nhân ông quyết định chia sẻ cái mà ông gọi là một số liều tượng trưng cho một số đồng minh của Israel. Ông tuyên bố, động thái này đã được thực hiện “để đáp lại những thứ chúng tôi đã nhận được, thông qua nhiều liên hệ trong các lĩnh vực khác nhau mà tôi sẽ không trình bày chi tiết ở đây”. “Tôi nghĩ rằng nó hoàn toàn mua được thiện chí”, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh.

Đài truyền hình công cộng của Israel, Kan cho biết, khoảng 100.000 vaccine Moderna đang được chuyển đến khoảng 15 quốc gia đồng minh gồm Honduras, Guatemala, Hungary, Uganda và Cộng hòa Czech - những quốc gia đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hoặc bày tỏ quan tâm đến việc mở các văn phòng ngoại giao ở đó sau khi chính quyền cựu Tổng thống Trump chuyển Đại sứ quán Mỹ đến thành phố này vào năm 2018. Chad, quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel vào năm 2019 và một số quốc gia Châu Phi khác có quan hệ an ninh chặt chẽ với Israel, bao gồm Ethiopia và Kenya, cũng xuất hiện trong danh sách. Khi được hỏi về việc chính phủ Thủ tướng Netanyahu sử dụng vaccine của họ như một công cụ ngoại giao, Moderna từ chối bình luận.

Tuy nhiên, Israel vấp phải sự chỉ trích của quốc tế vì chia sẻ nhỏ giọt và chậm chạp kho vaccine khổng lồ với người dân Palestine. Người Palestine phải vật lộn để mua vaccine cho riêng mình. Chính quyền Palestine nhận được 10.000 liều vaccine Sputnik V của Nga. Trước những chỉ trích đó, Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 26-2 thông báo, nước này đã tạm ngừng hoạt động cung cấp vaccine ngừa Covid19 tới các quốc gia khác để đổi lấy sự ủng hộ ngoại giao. Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng Chưởng lý Avichai Mandelblit gửi thư cho Cố vấn An ninh Quốc gia Meir Ben-Shabbat, trong đó yêu cầu làm rõ về chương trình trên. Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động vận chuyển vaccine ngừa Covid-19 cho nước ngoài để nội các an ninh tổ chức thảo luận về vấn đề này Chỉ trước đó vài tiếng, Israel đã chuyển một lô vaccine tới Honduras, nhưng không rõ số lượng.

Thành công từ chiến dịch tiêm chủng thần tốc

Israel là quốc gia có tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhanh nhất thế giới. Nước này kích hoạt chiến dịch tiêm chủng vào ngày 20-12- 2020, với ưu tiên là nhân viên y tế, người sống trong điều kiện có nguy cơ lây nhiễm cao và người từ 60 tuổi trở lên.

Hôm 10-1, các nhóm đối tượng ưu tiên nêu trên đã được tiêm mũi thứ hai. Để đưa chương trình tiêm chủng đến gần hơn với giới trẻ, chính quyền Tel Aviv triển khai sáng kiến mở trạm tiêm vaccine tại quầy bar và người chủ động tiêm phòng sẽ được nhận một đồ uống miễn phí. Hiện tại, số ca mắc và nhập viện do Covid-19 trong các nhóm tuổi được ưu tiên tiêm chủng ở Israel đang giảm. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy, chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng của quốc gia này đang phát huy tác dụng.

Một nghiên cứu mới của trường Đại học Tel Aviv cho thấy chiến dịch tiêm vaccine kịp thời tại Israel đã giúp cứu được nhiều mạng sống của người cao tuổi. Đợt tiêm chủng đã được thực hiện đúng lúc biến thể của virus SARSCoV-2 phát hiện tại Anh bắt đầu tấn công mạnh mẽ vào Israel. Tờ Times of Israel dẫn nghiên cứu nói trên cho biết, biến thể virus tại Anh có tốc độ lây nhiễm cao hơn 45% so với chủng cũ khi xuất hiện tại Israel. Chỉ sau 2 tháng, biến thể này đã chiếm tới 95% tổng số trường hợp mắc mới tại Israel, khiến các nhà khoa học kinh ngạc. Nghiên cứu của Đại học Tel Aviv cho rằng, nếu như nhóm người cao tuổi không được tiêm chủng sớm, tỷ lệ tử vong sẽ còn tăng cao hơn nữa. Theo nghiên cứu, chủng virus mới mặc dù đã lây lan rất mạnh trong tháng 1 ở nhóm người dưới 60 tuổi, nhưng lại tăng khá chậm ở nhóm trên 60 - nhóm đã được ưu tiên tiêm phòng trước đó.

Trước đó, Bộ Y tế Israel công bố, vaccine của BioNTech-Pfizer đạt hiệu quả tới 98,9% trong việc ngăn chặn các ca nhập viện và tử vong do Covid-19. Ngoài ra, tỷ lệ mắc Covid-19 cũng giảm 95,8% trong nhóm người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. Sau khi Bộ Y tế Israel công bố dữ liệu cho thấy vaccine của BioNTech-Pfizer đạt hiệu quả cao trong ngăn chặn Covid-19, nước này đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa để mở cửa trở lại nền kinh tế. Từ ngày 21-2, người dân Israel bắt đầu chứng kiến cuộc sống dần quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, nhà chức trách yêu cầu người dân vẫn phải giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra ngoài.

KHẢ ANH