Kỷ niệm 145 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1-10-1876 - 1-10-2021):

Vài câu chuyện về mối quan hệ giữa Cụ Huỳnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ sáu, 01/10/2021 18:34

Sự gặp gỡ giữa Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), là điển hình cho mối nhân duyên giữa hai con người yêu nước, hai nhân cách lớn của Cách mạng Việt Nam.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, bên phải) với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi ra mắt Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Từ quan điểm lấy báo chí làm vũ khí chiến đấu

Trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn bó hết sức sâu đậm với đất và người xứ Quảng. Vào giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Võ Nguyên Giáp - một thanh niên yêu nước từ Quảng Bình vào Huế đã nhanh chóng kết thân với những thanh niên từ Quảng Nam ra học như  Phan Bôi, Hồ Nghinh… cùng tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh - sinh viên tại Huế, nên Võ Nguyên Giáp, Phan Bôi bị đuổi học. Sau sự kiện này, Võ Nguyên Giáp vào Quảng Nam, về Bảo An gặp lại Phan Bôi, rồi cả hai ngược trở ra Huế.

Tại Huế, năm 1927, báo Tiếng Dân - tờ báo Tiếng Việt đầu tiên ở Huế và cả Trung Kỳ được xuất bản, do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Đây cũng là tờ báo xuất bản công khai, hợp pháp đầu tiên ở Huế nói riêng và Trung Kỳ nói chung nói lên tiếng nói của Dân, theo như quan điểm báo chí của Cụ Huỳnh “Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước…”.

Ra Huế, Võ Nguyên Giáp đến làm việc tại Quan Hải tùng thư - Nhà xuất bản của Tổng bộ Tân Việt do Đào Duy Anh sáng lập. Đào Duy Anh chính là thầy giáo của Võ Nguyên Giáp hồi học Tiểu học ở Quảng Bình. Từ đó, Đào Duy Anh giới thiệu Võ Nguyên Giáp với Cụ Huỳnh và được Cụ bảo lãnh nhận làm biên tập báo Tiếng Dân. Trong thời gian làm việc ở báo Tiếng Dân, dưới sự hướng dẫn của Cụ Huỳnh, Võ Nguyên Giáp đọc nhiều sách về chính trị, kinh tế - xã hội để nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích vấn đề thời sự đang diễn ra trong nước và thế giới. Viết nhiều bài chính luận, xã hội, khoa học mang quan điểm mác-xít. Tuy nhiên, những bài viết của Võ Nguyên Giáp giai đoạn này bị kiểm duyệt hết sức nghiêm ngặt. 

Có thể thấy rằng, trong thời gian cộng tác với báo Tiếng Dân được sự hướng dẫn, chỉ bảo của Cụ Huỳnh, nhất là ảnh hưởng ở Cụ một tinh thần quyết đoán, bản lĩnh, trí tuệ, cùng với quan điểm báo chí rất rõ ràng: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc”, giúp Võ Nguyễn Giáp từng bước hình thành một quan điểm báo chí cách mạng và trở thành nhà báo cách mạng tiên phong trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đến những người “cộng sự” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách mạng tháng Tám thành công. Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện mời Cụ Huỳnh tham gia Chính phủ nhưng Cụ từ chối. Đến đầu năm 1946, nhận được liên tiếp hai bức điện ký tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, lúc đó Cụ Huỳnh mới nhận lời ra Hà Nội. Nhớ lại sự kiện gặp gỡ giữa Cụ Huỳnh và Bác Hồ, trong cuốn: Võ Nguyên Giáp – Những chặng đường lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ghi “Khi chúng ta cử người tới mời, lúc đầu Cụ tỏ ra ngần ngại. Một phần vì Cụ thấy mình tuổi đã quá cao; một phần vì Cụ chưa hiểu những người lãnh đạo mới thuộc lớp trẻ này ra sao. Đến lúc nghe nói rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Cụ mới quyết định ra Hà Nội…”.

Sau phiên họp Quốc hội ngày 2-3-1946, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được thành lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Quân sự ủy viên Hội, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp. Từ đây, mối quan hệ giữa hai nhà báo, hai thế hệ Huỳnh Thúc Kháng - Võ Nguyên Giáp chuyển sang mối quan hệ đồng chí, ngày càng khăng khít, bằng tài năng, đức độ và nhân cách của mình cả hai đã cùng nhau gánh vác trọng trách mà lịch sử giao phó - “Non sông một mối chung nhau gánh”.

Cuối tháng 5-1946, trước khi lên đường sang Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã ký Sắc lệnh số 82 ủy nhiệm Cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước, trước sự chứng kiến của Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần nói với Cụ Huỳnh: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Lúc này, trong phái đoàn đi Pháp có người tỏ ra lo âu tình hình trong nước diễn biến phức tạp, không biết những người ở nhà sẽ giải quyết sao đây. Hiểu được sự lo lắng của mọi người, Bác ân cần bảo: “Các chú cứ yên tâm. Mọi việc ở nhà đã có Cụ Huỳnh và chú Giáp”, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dặn dò các đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh: “Các chú ở nhà làm sao mà Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Trung ương làm việc phải bàn bạc, thuyết phục, không có cái gì được ép buộc. Phải làm sao cho Cụ đồng tình để cùng làm việc mới đạt kết quả tốt được”. 

Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt đúng người. Trong suốt thời gian Người đi Pháp, ở trong nước, trong mọi công việc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đều bàn bạc kỹ lưỡng với Cụ Huỳnh thống nhất hành động. Một trong những cống hiến lớn nhất của Cụ Huỳnh trong thời gian này là đã chỉ đạo lực lượng Công an điều tra, vạch trần tội ác và kiên quyết trấn áp những kẻ phản bội quyền lợi dân tộc, đe dọa sự tồn vong của cách mạng, làm tổn hại tính mạng và lợi ích của nhân dân, tiêu biểu là giải quyết vụ án Ôn Như Hầu. Sau khi về nước Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”.

Trước ngày cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cụ Huỳnh được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ vào các tỉnh miền Trung. Nói chuyện với đồng bào quê hương, Cụ Huỳnh nhấn mạnh: “Đội ngũ cách mạng trẻ bây giờ rất tốt, rất giỏi, khả năng dồi dào. Anh Võ Nguyên Giáp khi ở Huế, có quan hệ với báo Tiếng Dân của tôi. Lúc đó, anh là “bạch diện thư sinh”, nhưng bây giờ là một cán bộ rất giỏi, rất giỏi, có trí thức của một người lãnh đạo cách mạng…”.

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn dành tình cảm, sự kính trọng của mình đối với phẩm chất cao đẹp của Cụ Huỳnh, trong bài tham luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng” tổ chức tháng 10-1996, Đại tướng đã viết: “Cụ Huỳnh đã để lại cho chúng ta một tấm gương thành công trong sự lãnh đạo của Đảng đối với mặt trận… Con đường chủ nghĩa yêu nước chân chính, yêu nước thương dân mang lại độc lập, tự do, thống nhất cho dân tộc, cho thời đại, hạnh phúc cho nhân dân thì ở Việt Nam ta quy luật là đi đến với Chủ nghĩa Xã hội. Tấm gương Cụ Huỳnh Thúc Kháng và các nhà yêu nước khác càng chứng tỏ sự đúng đắn của con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn”.   

LÊ NĂNG ĐÔNG