Vai trò “Con đường tơ lụa” Trung Quốc – Pakistan

Thứ sáu, 24/04/2015 11:37

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc vừa công bố kế hoạch đầu tư 46 tỷ USD trong đó phần lớn tập trung vào hành lang kinh tế từ Gwadar ở Pakistan đến Kashgar ở khu vực Tân Cương.

Vì sao Bắc Kinh lại tập trung vào kế hoạch này?

Số tiền Trung Quốc đang có kế hoạch đổ vào Pakistan nhiều gấp 2 lần tổng tất cả các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Pakistan nhận được kể từ năm 2008, và nhiều hơn đáng kể so với toàn bộ sự trợ giúp của Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của Islamabad kể từ năm 2002.

Việc đầu tư này sẽ tập trung chủ yếu ở Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), sự kết hợp của các dự án giao thông vận tải và năng lượng và sự phát triển của một cảng biển nước sâu lớn dẫn trực tiếp đến Ấn Độ Dương và xa hơn nữa.

Các chuyên gia nói rằng điều này sẽ tạo ra công ăn việc làm và châm ngòi cho các hoạt động kinh tế ở Pakistan vốn trì trệ trong 3 thập kỷ qua do bị ảnh hưởng bởi các cuộc nổi dậy vũ trang. Nhưng như nhà phân tích quốc phòng Giáo sư Hasan Askari Rizvi cảnh báo, sự thay đổi trò chơi thực sự không phải là việc ký kết thỏa thuận mà là tính kịp thời.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif trong chuyến thăm hôm 20-4. Ảnh: AP

Tiền sẽ đi đâu?

Các quan chức thừa nhận một số thỏa thuận được ký kết bởi Trung Quốc và Pakistan vào năm 2010 không hoàn thành do thiếu năng lực, tham nhũng và thiếu minh bạch. Vì vậy, để các dự án lần này thành công, Islamabad cần phải nỗ lực thực hiện cam kết thể chế, pháp lý, tài chính và hậu cần.

Với mức độ tham nhũng cao ở cả hai nước, khó có thể biết được bao nhiêu tiền được cho vay, bao nhiêu tiền tài trợ và bao nhiêu tiền được đầu tư công hay tư nhân. Ngoài ra còn có tranh chấp chính trị ở Pakistan, với một số chính trị gia đe dọa chống lại tuyến hành lang được xây nếu kế hoạch của một số lĩnh vực cụ thể không rõ ràng.

Theo chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Kaisar Bengali, trong khi Pakistan có nhiều vấn đề cần khắc phục, sự xuất hiện của Trung Quốc vào thời điểm này tạo cho Islamabad cơ hội có 1 không 2 để thực hiện cú nhảy về kinh tế.

Nguy cơ từ phiến quân

Hành lang kinh tế bắt đầu ở Gwadar và kết thúc ở Kashgar. Gwadar nằm trên bờ biển Balochistan, tỉnh nằm ở phía tây nam Pakistan bị tàn phá bởi một cuộc nổi dậy ly khai trong thập kỷ qua. Kashgar nằm ở trung tâm của khu vực người Hồi giáo chiếm đa số của Trung Quốc, khu vực Tân Cương.

Dân cư chủ yếu là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, nơi xảy ra phong trào ly khai kể từ giữa những năm 1990. Tuyến hành lang đi qua những khu vực trong tầm kiểm soát của quân nổi dậy Taliban. Cho đến gần đây, chúng kiểm soát lãnh thổ dọc theo biên giới tây bắc Pakistan với Afghanistan, và là nơi tập trung lớn nhất của phiến quân Duy Ngô Nhĩ bên ngoài Trung Quốc. Chúng vẫn hiện diện ở khu vực biên giới, mặc dù sào huyệt đã bị chính phủ Pakistan phá vỡ từ tháng 6- 2014.

Nhà cựu ngoại giao Ashraf Qazi Jehangir cho biết, quân đội Pakistan quyết định tăng lực lượng đặc biệt để bảo vệ hành lang 3.000 km này, song nhiều người cảm thấy nghi ngờ khả năng này. Nhưng một số người tin rằng, quân đội sẽ nỗ lực bảo vệ hành lang của Trung Quốc vì lợi ích kinh tế có thể giúp cô lập quân nổi dậy.

Tại sao Trung Quốc làm điều này?

Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp quân sự đáng tin cậy hơn cho Islamabad so với Washington và do đó được người Pakistan xem là đồng minh chống lại đối thủ Ấn Độ.

Tình hữu nghị với Trung Quốc cũng giúp Pakistan thể hiện rằng nước này cũng có nhiều đồng minh “đáng gờm” ở phía tây.  Còn đối với Trung Quốc, mối quan hệ với Islamabad có ý nghĩa địa chiến lược. Hành lang đi qua Gwadar tạo ra con đường tiếp cận ngắn nhất tới Trung Đông và Châu Phi, nơi mà hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc và hàng chục ngàn công nhân nước này đang làm việc.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đã và đang khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò ổn định ở Afghanistan. Và nhiều người Pakistan tin rằng, ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực sẽ giảm xuống trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, về lâu dài, Nhà Trắng chắc chắn sẽ có chiến lược để đối phó với sự nổi lên của Nga-Trung, và điều đó có nghĩa là Washington sẽ tập trung cho các khu vực giàu tài nguyên Trung Á và Trung Đông.

An Bình
(Theo BBC)