Vai trò "quyền lực mềm" trong quan hệ Trung – Mỹ

Thứ tư, 09/05/2018 14:00

Trong khi các khía cạnh kinh tế và quân sự trong mối quan hệ Mỹ-Trung vẫn tiếp tục nhận được sự chú ý, vai trò của "quyền lực mềm" không nên được đánh giá thấp. Mặc dù Mỹ luôn duy trì uy quyền như là một nhà tiên phong toàn cầu hóa, Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường tiềm năng quyền lực mềm và nỗ lực tôn vinh sức hấp dẫn quốc tế của mình. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc có thách thức triệt để vị thế quốc tế của Mỹ hay không, đặc biệt là trong bối cảnh Washington muốn rút khỏi vai trò toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi tháng 11-2017. Ảnh: Diplomat

Con đường dẫn đến "quyền lực mềm"

Kể từ khi xuất hiện đến nay, khái niệm "quyền lực mềm" nhanh chóng được công nhận là một phần không thể thiếu trong ngoại giao và truyền thông chiến lược. Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên thừa nhận bản chất của "quyền lực mềm" và sử dụng nó để khuếch đại ảnh hưởng toàn cầu.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ khai thác thành công tất cả các phương tiện văn hóa xã hội, bao gồm hệ thống giáo dục uy tín của Ivy League và danh mục đa phương tiện phong phú của nó, trong việc thiết lập sức hấp dẫn toàn diện. Các Cty Mỹ như Facebook, Amazon, Apple và Microsoft tiếp tục mở rộng phạm vi và sự hiện diện của nước này, cho phép xâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của công dân trên toàn cầu.

Ngược lại, do truyền thống phụ thuộc vào cách tiếp cận kinh tế và quân sự đối với các vấn đề đối ngoại, Trung Quốc là người chơi tương đối mới trong lĩnh vực này. Hiện nay, Trung Quốc khởi động "Sáng kiến Một Vành đai và Một Con" (BRI) đầy tham vọng, hứa hẹn duy trì triển vọng kinh tế của Trung Quốc cũng như quyền lực mềm của nước này. Thường được so với Kế hoạch Marshall, BRI với sự tham gia của 71 quốc gia đã mở đường cho Trung Quốc hội nhập khu vực và mở rộng hơn nữa quỹ đạo kinh tế xã hội của nước này. Trên toàn cầu, Bắc Kinh cũng tìm cách quảng bá hình ảnh bằng cách mở thêm nhiều trung tâm tin tức nước ngoài, cũng như xây dựng quan hệ đối tác với các đại gia Hollywood như Sony Television.

Có thể thấy, khát vọng quyền lực mềm mại của Trung Quốc được thúc đẩy bởi "sự oán giận" ngày càng tăng của quốc tế đối với Mỹ. Dưới sự nắm quyền của Tổng thống Donald Trump, tỷ lệ ủng hộ nước Mỹ đã giảm gần 10% trong khi Trung Quốc đã leo lên nhiều bậc trong bảng chỉ số "quyền lực mềm". Điều này có thể do quan điểm của Mỹ về nhập cư và thương mại, cùng với những phát ngôn cứng rắn dường như cô lập Mỹ khỏi các nguyên tắc cơ bản của toàn cầu hóa và phổ biến đa văn hóa.

Trong khi Bắc Kinh tiếp tục chi gần 10 tỷ USD mỗi năm, để nuôi dưỡng hình ảnh tích cực trong mắt quốc tế và mời thêm nhiều người chơi vào các vùng ngoại vi kinh tế, Washington cần phải xem xét lại cách tiếp cận.

Xem xét lại sức mạnh mềm

Sự phát triển của Trung Quốc đang đặt nền tảng cho một trật tự thế giới mới, nhưng sức mạnh này cũng có giới hạn. Tham vọng của Trung Quốc đối với hoạt động toàn cầu thông qua BRI vẫn vướng nhiều chỉ trích. Điều này, cùng với các mối quan ngại về tính minh bạch trong đầu tư và đường lối cứng rắn của Trung Quốc về chủ nghĩa dân tộc đã mâu thuẫn với mô hình quyền lực mềm của nước này. Mặt khác, các giá trị tự do, văn hóa và tài nguyên phi chính phủ của Mỹ vẫn được công nhận rộng rãi. Về mặt này, "quyền lực mềm" của Mỹ có thể được khôi phục, và bất chấp những lo ngại về chính sách đối ngoại cứng rắn của Washington, giấc mơ Mỹ vẫn giữ được sức hấp dẫn trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, quyền lực mềm không chỉ được xem xét thông qua lăng kính cạnh tranh. Thực tế, các cường quốc toàn cầu như Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác. Thông qua khả năng tiếp cận lớn hơn và đồng hóa các nguồn lực, Trung, Mỹ có thể làm phong phú thêm nguồn viện trợ nhân đạo, mở rộng cơ hội nghiên cứu bằng cách khuyến khích trao đổi ở quy mô toàn cầu. Trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch Mỹ-Trung Quốc (CERC) và Đối thoại văn hóa và xã hội Trung Quốc (SCD) là những minh họa về cách hai nước đã hợp tác tích cực để giải quyết các vấn đề môi trường và các vấn đề phát triển xã hội toàn cầu. Tóm lại, họ có thể sử dụng "quyền lực mềm" trong việc giải quyết một số thách thức toàn cầu cấp bách nhất hiện nay.

AN BÌNH